Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot đều có chung nhận định: Giao thông đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với TPHCM.
Hội thảo quốc tế về giao thông đô thị với chủ đề “Giải pháp cho vấn đề phát triển giao thông bền vững tại thành phố của các quốc gia đang phát triển” vừa kết thúc tại TPHCM với rất nhiều ý kiến cùng giải pháp của các chuyên gia nhằm tìm lời giải cho bài toán giao thông đô thị. Việc đề cập đến thực trạng và tìm giải pháp khắc phục tình trạng kẹt xe, giao thông hỗn loạn hiện nay ở TPHCM là một trong những vấn đề chính của hội thảo do UBND TPHCM phối hợp với Hiệp hội Hợp tác vì sự phát triển và Cải thiện giao thông đô thị (CODATU) và Hội đồng Vùng Rhône-Alpes (Pháp) tổ chức.
Giao thông đô thị: Manh mún, nhỏ lẻ
Đó là đánh giá chung của hầu hết đại biểu tham gia hội thảo về tình trạng giao thông của VN, từ thiếu đồng bộ trong quy định và quản lý dẫn đến lượng xe gắn máy gia tăng quá cao, đến công tác quản lý, quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, việc thi công các tuyến đường huyết mạch, các dự án chống ngập...
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot đều có chung nhận định: Giao thông đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với TPHCM, vì thế, TP cần phải nhanh chóng cải thiện tình trạng tắc đường triền miên và tăng cường hạ tầng giao thông.
Theo thống kê, TPHCM hiện có 3.400 con đường với tổng diện tích mặt đường khoảng 25 triệu m2, trong đó 2/3 (16 triệu m2) là để cho việc dừng đỗ xe máy và ô tô, 9 triệu m2 còn lại là dành cho gần 5 triệu xe cơ giới lưu thông, chưa kể 2 triệu xe đạp, xe 3-4 bánh tự chế. TP lại còn quá nhiều tuyến đường chật hẹp, bị chia cắt thành nhiều cụm, đã góp phần vào thực trạng kẹt xe triền miên.
Theo ông Walter Molt, nhà tư vấn về quy hoạch đô thị tại VN, nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập hiện nay của giao thông TPHCM chính là do quy hoạch thiếu tầm nhìn. Ông nhận định: “Là người nghiên cứu và theo dõi sự phát triển giao thông ở VN khá lâu, tôi thấy các bạn đã quá chú tâm vào kỹ thuật tiên tiến mà lại tách ra khỏi quy hoạch đô thị. Điều này dẫn đến việc giao thông ở một số TP lớn phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Chính vì những hạn chế ấy, tôi nghĩ, điểm mấu chốt để giải quyết thực trạng giao thông hỗn loạn như hiện nay chính là việc phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại trên”.
Giải pháp: Xe buýt hoặc mở rộng giải tỏa!
Theo TS Phùng Mạnh Tiến, Phân viện Khoa học Công nghệ giao thông - vận tải phía Nam, việc chấp nhận phát triển giao thông công cộng kết hợp với giao thông cá nhân là giải pháp tối ưu trước mắt. TP cần xây dựng các công trình tạm phục vụ cho xe gắn máy với kết cấu đơn giản, gọn nhẹ, ít kinh phí và sẽ được tháo dỡ khi hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện. Bởi việc cấm xe gắn máy là một giải pháp không có tính kế thừa, khi thói quen đi lại của người dân TP chủ yếu bằng phương tiện này.
Mô hình phát triển và vận hành xe buýt nhằm giảm áp lực giao thông của TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TPHCM, là một giải pháp rất đáng lưu ý. Theo mô hình này, hệ thống giao thông nhanh BRT (Bus Rapid Transit) được thiết kế trên các tuyến xuyên tâm, vành đai và hướng tâm sẽ làm giảm tỉ lệ nghẽn toàn mạng. Theo tính toán của TS Mai, nếu mô hình BRT được triển khai, đến năm 2020, chỉ số tắc nghẽn giao thông toàn mạng sẽ giảm 2,84 lần, tiết kiệm trên 550 triệu lít nhiên liệu và giảm gần 3 triệu tấn khí thải/năm.
TS Lê Anh Đức, Phó trưởng Khoa Quy hoạch Trường Đại học Kiến trúc TPHCM lại có một hướng đi khá mới trong việc giải quyết tình trạng kẹt xe hiện nay của TPHCM. Ông đặt vấn đề, nên chăng giải quyết kẹt xe từ góc độ nhà ở. Bởi chính sự không tương xứng giữa đầu tư phát triển mạng lưới giao thông và nhà ở tại TPHCM, đặc biệt là khu vực ngoại thành đã tác động lớn đến sự quá tải của mạng lưới hạ tầng giao thông TP. Nội thành thì không thể mở rộng đường vì quỹ đất đã hết, trong khi đó khu vực ngoại thành quỹ đường sá lại không đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng dân cư.
Mô hình “Biên chỉnh trang” của ông Dư Phước Tân, Viện Kinh tế TPHCM, lại tập trung vào vấn đề khá cụ thể, đó là quỹ đất. Theo ông Tân, việc điều tiết giá trị tăng thêm từ đất dọc hai bên tuyến đường là hết sức cần thiết và trở thành một kênh tạo ra nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bởi đất ở hai bên tuyến đường được mở rộng luôn tăng giá trị. Khi Nhà nước tiến hành giải tỏa làm đường thì nên mở rộng thêm diện tích hai bên phần đất dự kiến thu hồi để xây dựng các công trình hạ tầng, xây mới hoặc chỉnh trang lòng đường hiện hữu.
Như vậy, thay vì chỉ giải tỏa hai bên đủ chỗ cho trục đường mới, sẽ giải tỏa rộng thêm, tạo thành quỹ đất dự trữ. Quỹ đất này sẽ được bán đấu giá, hoặc cho thuê để tạo thêm khoản thu cho ngân sách dùng để bồi thường giải tỏa cho dân. Cách làm này nhận được rất nhiều sự đồng tình từ các đại biểu. TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - nhận xét: “Tôi thấy đây là mô hình hay, góp phần điều tiết nguồn thu, TP cần nghiên cứu áp dụng”.
Người Đô Thị