TP.HCM: Siết chặt quy định về BĐS và sàn giao dịch BĐS

Cập nhật 09/01/2014 10:21

Theo UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 479 sàn giao dịch bất động sản (BĐS). Trong đó có 240 sàn đang hoạt động, 239 sàn ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác nhưng không thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Năm 2014, TP.HCM đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lí chặt chẽ hoạt động kinh doanh BĐS. Ảnh: Nguyễn Huế.

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo triển khai 4 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS và kinh doanh dịch vụ BĐS.

Qua kiểm tra thực tế, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã lập thủ tục trình UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ đầu tư và 4 sàn giao dịch BĐS vi phạm các quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính Phủ.

Trong đó chủ yếu là các hành vi vi phạm về điều kiện BĐS được giao dịch qua sàn, về hợp đồng, thủ tục giao dịch qua sàn, vi phạm về cấp giấy chứng nhận giao dịch qua sàn, vi phạm về việc công khai thông tin sản phẩm trên sàn và thông báo trước khi kí hợp đồng huy động vốn…

Theo UBND TP.HCM, nhằm tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, sàn giao dịch BĐS. Trong năm 2014, thành phố sẽ định kì tổ chức các đoàn thanh tra tình hình thực hiện các dự án phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS và hoạt động của các sàn giao dịch BĐS để phát hiện xử lí kịp thời các hành vi vi phạm của các chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bất đống sản đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ cường biện pháp chế tài, xử lí đối với chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng quy hoạch hoặc không thực hiện xây dựng các công trình công cộng, công viên cây xanh… trong dự án theo quy hoạch phục vụ cộng đồng dân cư dự án và bàn giao quản lí theo quy định.

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố, công khai quy hoạch đã được phê duyệt đặc biệt là quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và quy hoạch sử dụng đất để các thành phần kinh tế biết và tham gia đầu tư; thực hiện việc đình chỉ xây dựng không phép, sai phép, xây dựng không tuân theo quy hoạch nhằm lập lại trật tự, kỉ cương trong lĩnh vực quản lí xây dựng tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng nhà tự phát, đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời và phát triển tràn lan của tình trạng mua bán nhà đất trao tay, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các loại BĐS trái quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong năm 2014, TP.HCM cũng sẽ tăng cường quản lí hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực BĐS.

Theo đó, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lí hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện cam kết của nhà đầu tư và nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án, góp vốn, huy động vốn, cam kết bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước và nghĩa vụ đối với người lao động.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra các dự án đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và đề nghị gia hạn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, đồng thời kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án vi phạm. Thực hiện rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai chậm tiến độ, không đủ vốn thực hiện, vi phạm các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh BĐS, các luật thuế để xử lí kiến nghị và kiến nghị xử lí kịp thời đối với các dự án vi phạm.

Đặc biệt, trong năm nay, TP.HCM sẽ định kì tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI vay vốn ngân hàng thương mại trong nước, phát hiện xử lí kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc không có khả năng triển khai thông báo ngay cho các ngân hàng thương mại thu hồi các khoản đã cho vay…

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan