TPHCM sẽ xây cầu thay phà kết nối các tỉnh phía Nam

Cập nhật 21/10/2016 09:22

UBND TPHCM ngày 17-10 đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ gồm xây dựng các cây cầu thay thế phà Cát Lái, phà Bình Khánh và bổ sung tuyến đường mới song song Quốc lộ 50 kết nối tỉnh Long An vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến sau năm 2020.


Phà Cát Lái - Ảnh: Anh Quân

Theo UBND thành phố, việc bổ sung xây dựng cầu thay phà Cát Lái, phà Bình Khánh và xây đường song song Quốc lộ 50 là cần thiết.

Cầu thay phà Cát Lái là trục giao thông đường bộ kết nối trực tiếp giữa khu vực quận 2 (TPHCM) với thành phố Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đồng thời kết nối gián tiếp qua trục Quốc lộ 51 và các tuyến cao tốc (chỉ dành cho xe ô tô) gồm tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường vành đai 3 TPHCM.

Hiện nay, nhu cầu giao thông và lưu lượng các phương tiện giao thông hỗn hợp qua phà Cát Lái ngày càng tăng cao; luồng hàng hóa từ các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ 51 và đô thị Nhơn Trạch... được vận chuyển đi vòng theo tuyến Xa lộ Hà Nội về khu vực các hệ thống cảng trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai từ Cát Lái đến quận 2, quận 7, quận 9 và đi xuống phía Nam TPHCM ngày càng nhiều gây ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội và xa hơn khoảng 7 km nếu vận chuyển theo hướng kết nối trực tiếp giữa Nhơn Trạch và TPHCM.

Do vậy, rất cần xây dựng cầu thay phà Cát Lái (nối quận 2 TPHCM và thành phố Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Trong khi đó, cầu thay phà Bình Khánh sẽ là trục giao thông kết nối khu vực trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ vốn hiện nay chỉ thông qua phà Bình Khánh. Nhu cầu giao thông qua phà Bình Khánh ngày càng tăng cao, đặc biệt các dịp lễ, tết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, tham quan, vui chơi giải trí của người dân thành phố, hạn chế sức phát triển kinh tế xã hội của huyện Cần Giờ.

Do vậy việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nhằm kết nối với trung tâm thành phố, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh liên kết khu vực phía Nam thành phố, đáp ứng nhu cầu giao thông, phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh xã hội của TPHCM.

UBND thành phố cho rằng việc xây dựng đường song song với Quốc lộ 50 là cần thiết nhằm tăng cường năng lực giao thông, kết nối với trục động lực theo quy hoạch tỉnh Long An, rút ngắn thời gian lưu thông giữa TPHCM đi Long An, Tiền Giang; đồng thời từng bước nâng cấp đô thị, nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nhìn chung, việc bổ sung quy hoạch cầu thay phà Cát Lái, cầu thay phà Bình Khánh và đường song song Quốc lộ 50 sẽ kết nối và đáp ứng nhu cầu giao thông giữa TPHCM và các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của TPHCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo đề xuất của UBND thành phố, cầu thay phà Cát Lái có điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 thành phố thuộc phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 và điểm cuối kết nối vào Tỉnh lộ 25B, cách bến phà hiện hữu khoảng 1 km với tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 4,5 km, trong đó đoạn vượt sông khoảng 750 mét.

Cầu thay phà Bình Khánh có điểm đầu giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát - đường kho C cách giao lộ với đường Nguyễn Bình khoảng 800 mét về phía bắc và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam có tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 5,8 km.

Còn đường song song Quốc lộ 50 có điểm đầu kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800 mét) tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 50 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An). Tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6 km.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG