TP.HCM: Quỹ đất dành cho xe buýt bị chiếm dụng

Cập nhật 05/04/2010 15:10


Ảnh: Thanh Phàn
Sau bảy năm với hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ, ngành vận tải hành khách bằng xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn èo uột.

Một trong nhiều nguyên nhân là mặt bằng cho các tuyến xe, bến bãi, trạm trung chuyển vẫn chưa được các cơ quan chức năng thống nhất vì thiếu sự chỉ đạo nhất quán của chính quyền địa phương.

Hiện thành phố có hơn 3.200 xe buýt chạy trên khắp các tuyến đường nhưng số người sử dụng loại phương tiện này chỉ đạt 6% tổng lượng hành khách.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 101/QĐ-TTg quy định rõ về diện tích đất dành cho 30 bến bãi vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, trong chương trình “Nói và làm” có chủ đề “Vận tải hành khách công cộng: Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng 4/4, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố đề cập đến việc diện tích đất dành cho vận tải công cộng mà thành phố được Thủ tướng phê duyệt là 1.146ha nhưng đến nay các sở, ngành chỉ mới sắp xếp được 28ha.

Vì vậy, trạm trung chuyển tại Công viên Quách Thị Trang (đối diện chợ Bến Thành, quận 1) đã phải “cõng” 41 tuyến xe buýt, trong đó có những tuyến trùng lắp nhau. Thậm chí, có lúc phải bố trí Công viên 23/9 cho xe buýt đậu tạm.

Ông Hoàng Tú, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch kiến trúc, cho biết sở đang tiến hành phối hợp cùng các quận, huyện để điều chỉnh quy hoạch nhằm bố trí 141ha đất phục vụ vận tải hành khách công cộng, trong đó có 51ha cho trạm trung chuyển, bến bãi cho xe buýt. Nếu mọi việc thuận lợi, đến năm 2025, phần đất quy hoạch dành cho xe buýt sẽ có 50ha, còn phần diện tích cho xe liên tỉnh là 78ha.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, vì ngoài chuyện pháp lý còn phải tính đến việc các quận, huyện đang bước vào quá trình đô thị hóa nhanh, trong khi mỗi trạm, bến dành cho xe buýt có diện tích ít nhất cũng 1ha.

Trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2002, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị quy hoạch 22 bến bãi cho xe buýt, thế nhưng các quận, huyện đã lấy đất dự kiến làm bãi đậu xe sử dụng vào việc khác, như bến Văn Thánh (quận Bình Thạnh) gần 4.000m2 đang bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại; bến Tân Thuận (quận 7) rộng 5.000m2 bị lấy làm công viên; nhiều bến khác bị nhà dân lấn chiếm.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+