TP.HCM quản lý nhà đất công 'còn gây lãng phí, thất thu ngân sách'

Cập nhật 07/05/2018 09:13

Việc quản lý, sử dụng và khai thác nguồn thu từ nhà đất công sản chưa đạt hiệu quả cao, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định, gây lãng phí, thất thu cho ngân sách từ nguồn tài nguyên hạn hữu này.

Hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) sau 22 năm được Thủ tướng phê duyệt dự án, đến nay vẫn còn dang dở do thiếu hụt nguồn lực đầu tư. ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Ngày 6.5, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM cho biết qua khảo sát thực tế Ban Kinh tế - ngân sách nhận thấy việc huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển TP.HCM trong thời gian qua dù đã có những kết quả bước đầu, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn so nhu cầu đầu tư theo kế hoạch đề ra.

Về sử dụng nguồn lực, kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều dự án, công trình chậm triển khai thực hiện mà nguyên nhân do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, phân luồng giao thông tại các công trường thi công; các phát sinh cần điều chỉnh trong quá trình thực hiện làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Vấn đề này đã được HĐND TP.HCM lưu ý nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả, căn cơ.

Bên cạnh đó, công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; công tác thẩm định giá còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa sát thực tiễn.

Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng và khai thác nguồn thu từ nhà, đất do nhà nước trực tiếp quản lý (nhà đất công sản) trên địa bàn thành phố chưa đạt hiệu quả cao, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định, gây lãng phí, thất thu cho ngân sách từ nguồn tài nguyên hạn hữu này.

Phổ biến nhất của tình trạng sử dụng công sản còn gây lãng phí, thất thu ngân sách, là việc cho liên doanh liên kết không đúng quy định; cho thuê theo đơn giá đã lạc hậu so thực tế của thành phố; kê khai địa chỉ nhà đất chưa đầy đủ, còn nhiều địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu nhà nước bị lấn chiếm; công tác thu hồi nhà đất thuộc sở hữu nhà nước cho thuê gặp nhiều khó khăn khi thành phố có nhu cầu đầu tư các dự án công trình công cộng; việc sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước không đúng mục đích, cho thuê lại không đúng quy định…

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X; tổng nhu cầu đầu tư từ nguồn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 326.000 tỉ đồng; trong đó: 7 chương trình đột phá là hơn 287.000 tỉ đồng (chiếm 88%), các chương trình khác là 39.000 tỉ đồng (chiếm 12%). Khả năng cân đối ngân sách cho nhu cầu vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM là hơn 171.000 tỉ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên