Về hàng ngàn căn nhà "không số" đang mọc lên ở TP.HCM, PGĐ Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết: Cương quyết phá dỡ loại nhà này không phải là giải pháp duy nhất giúp chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép.
- Thưa ông, vì sao tình trạng xây dựng trái phép (XDTP) ở TP.HCM càng ngày càng có vẻ phức tạp?
- Tình hình XDTP tại TP.HCM đã được các cấp chính quyền kéo giảm, không còn hiện tượng phân lô xây dựng trái phép như tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, chủ yếu chỉ còn hiện tượng xây dựng không phép riêng lẻ của một số hộ dân và xảy ra tại các huyện ngoại thành.
- Ông có nghĩ tình trạng XDTP một phần do sự "nương tay", ra một số quyết định cho "hợp thức hóa" nhà trái phép?
- Sau khi Luật Xây dựng năm 2003 có hiệu lực thi hành, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/2005/QĐ - TTg ngày 28/2/2005 về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng. Quyết định nêu trên nhằm xử lý các công trình xây dựng đang tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng không phù hợp với quy định của Luật Xây dựng được phép tồn tại theo hiện trạng.
Đối với các công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng hoặc sai với giấy phép xây dựng được cấp sau ngày 01/7/2004 được điều chỉnh bởi quy định của Điều 120 Luật Xây dựng. Theo đó, phải bị tháo dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, Luật Xây dựng quy định rất rõ biện pháp xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan: "… Tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại".
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89 ngày 18/6/2007, chỉ đạo phải xử lý nghiêm minh, đúng luật đối với các hành vi xây dựng trái phép.
Như vậy, không có việc nương tay của các cấp chính quyền thông qua các quy định của pháp luật về xây dựng.
- Có thông tin, Sở Xây dựng vừa đề xuất lên UBND TP.HCM, giao cho Chủ tịch UBND phường có quyền ra quyết định cưỡng chế nhà XDTP; theo ông, hiệu quả của việc này sẽ tới đâu?
- Theo quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, có quy định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã được “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.
Tiếp theo, ngày 26/5/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 126/2004/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong họat động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà. Tại Điều 43 của quyết định nêu trên, có quy định Chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra”.
Ngày 21/01/2005, Bộ Xây dựng có Thông tư số 01/2005/TT - BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 126/2004/NĐ - CP. Tại khoản 2 có hướng dẫn rõ về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã trong việc ra quyết định cưỡng chế buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu như:
“Hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng dở dang, nhà tạm vi phạm quy hoạch thì buộc phá dỡ phần công trình vi phạm đó”.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật nêu trên thì Chủ tịch UBND phường có quyền ra quyết định cưỡng chế nhà xây dựng trái phép và thực tế Sở Xây dựng không có đề xuất lên UBND thành phố về việc này.
Ông Đỗ Phi Hùng.
Theo Phan Công - Vietnamnet