Trong khi những con đường khu trung tâm TP.HCM dù không hư hỏng vẫn thường xuyên được thảm thêm nhựa phẳng phiu, thì hàng loạt tuyến đường ở các quận xa trung tâm bị tan nát với những "ổ voi", "ổ trâu" xuất hiện như thể các cái bẫy hết sức nguy hiểm, song lại chẳng thấy cơ quan nào sửa chữa, nâng cấp.
Đường Lê Văn Quới: Dân ới mãi chẳng thấy cơ quan nào làm
Cách đây 6 năm, khi đi thực tế để viết về những con đường hư hỏng nặng, PV đã được biết đến tuyến đường Lê Văn Quới (lúc bấy giờ thuộc xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh - TP.HCM) như con đường... đau khổ. Đường sá nhầy nhụa, hầm hố xuất hiện đầy rẫy án ngữ hết lối đi. Chỉ một đoạn chừng 1 cây số, phải mất gần 1 giờ đồng hồ và 3 lần gặp sự cố xe một nơi, người một nẻo mới vượt qua đoạn đường đau khổ đó. Đến nay, đường Lê Văn Quới đã được nâng cấp từ xã thành phường Bình Trị Đông thuộc quận Bình Tân (năm 2003), nhưng chất lượng con đường thì tồi tệ hơn gấp nhiều lần trước đây. Hàng chục "ổ gà", "ổ trâu" của 6 năm về trước giờ chuyển thành "ổ voi", "ổ khủng long" sâu hoắm và mênh mông nước.
Còn nhớ, cách đây khoảng 4 năm vào dịp gần Tết, người dân đã từng có thư gửi đến ông giám đốc Sở GTCC, tha thiết cầu xin vài xe đá để trải tạm con đường cho dân bớt khổ. Nhưng chờ mãi hết năm này qua năm khác, số phận con đường đau khổ đến nay cũng chẳng biết bao giờ mới được khởi công xây dựng.
Đường Thoại Ngọc Hầu: Dân hiến đất, chờ Nhà nước sửa đường
Sau vài cơn mưa những ngày qua, người điều khiển xe gắn máy phải chật vật lắm mới có thể lội qua đường Thoại Ngọc Hầu (phường Phú Thọ Hoà, Q.Tân Phú). Mang tiếng là ở TP.HCM, thực tế đường Thoại Ngọc Hầu tệ hơn cả đường nông thôn. Mùa nắng, bụi mù mịt, đất đá lởm chởm. Mưa đến, thì đường trở nên lầy lội, nước đọng thành "ổ voi", "ổ khủng long", cản trở giao thông và đã gây ra không ít vụ tai nạn nghiêm trọng. Một số hộ trên đường Thoại Ngọc Hầu đành phải tự bỏ tiền túi mua xà bần về lấp các hầm hố phía trước nhà để tiện cho việc buôn bán. Nhưng cũng chỉ được vài tháng, mặt đường lại trở thành những hố sâu.
Qua tìm hiểu của PV, cách đây vài năm, ngành GTCC đã có hẳn dự án nâng cấp, mở rộng đường Thoại Ngọc Hầu (tổng chiều dài khoảng 2.500m) với tổng kinh phí đầu tư 33 tỉ đồng. Dự án do một đơn vị trực thuộc Sở GTCC làm chủ đầu tư (Cty quản lý công trình giao thông Sài Gòn), đơn vị thi công Cty xây dựng công trình giao thông Sài Gòn cũng thuộc Sở GTCC.
Khi nghe đường được đầu tư nâng cấp, nhiều người dân Q.Tân Phú vui ra mặt và sẵn sàng hiến một phần đất của mình đang sử dụng giao cho Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Nhưng thời gian mới triển khai, các đơn vị đưa phương tiện, thiết bị, nhân công xuống công trình thi công rất rầm rộ, dần dần thì làm một vài hôm nghỉ cả tháng, và bất ngờ đến năm 2005 (sau khi làm được khoảng 780m), công trình ngừng hoàn toàn.
Hiện nay, thành phố đã giao cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư mới thay thế Cty quản lý công trình giao thông Sài Gòn. Tuy nhiên, trao đổi với các PV, ông Ngô Bá An - Phó GĐ Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết, đang tiến hành điều chỉnh lại thiết kế, tổ chức đấu thầu... nhanh nhất cũng phải đến năm 2008, công trình mới tiếp tục khởi công trở lại.
Đường Lê Văn Lương: Điệp khúc "chờ"
Con đường này đi từ quận 7 qua huyện Nhà Bè. Đoạn quận 7 còn tạm, chứ đoạn Nhà Bè thì thật sự "thê lương". Từ cầu Rạch Đỉa 1 đến cầu Phước Kiển dài khoảng 3 - 4km, cách đây nửa năm còn chạy bon bon, bây giờ chạy xe máy qua đây bị dằn xóc đến đau cả bụng. Con đường đã xuống cấp sau một mùa mưa được coi là lớn nhất trong nhiều năm qua. Từ những vũng lầy nhỏ, mặt đường đã toác ra loang lổ những khoảng lún, lầy trồi sụt. Người dân hai bên đường thỉnh thoảng phải tự bỏ tiền vá dặm mặt đường trước nhà để khỏi bị xe chạy qua tạt nước vào nhà.
Hỏi thì người dân bảo: Nghe nói đường Lê Văn Lương sẽ phóng tới 40 mét. Nghĩa là sẽ mất vài năm " sống chung" với con đường xuống cấp này. Có người cho biết đường này chờ phương án thầu điện nước gì đó. Cũng đã thấy xe chở ống nước cột điện tập kết về đây, nhưng chờ đến bao giờ thì chưa ai trả lời.
Chỉ biết mỗi ngày con đường này lại càng hư hỏng nặng, ngay cả một phương án sửa chữa để tạm đi lại dễ dàng cũng chẳng thấy đâu. Con đường này gần như độc đạo. Bây giờ hư hỏng nặng cũng phải đi. Một nữ đại biểu HĐND TP đã có lần nói: Ngồi trong xe nhắm mắt lại, cứ đến chỗ nào xóc rêm người là biết đến địa phận Nhà Bè!". Câu nói này chúng tôi nghe cách đây mấy năm, bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Xin cứu những con đường ngoại thành
Trên đây chỉ là một vài tuyến đường "dành cho voi" tiêu biểu trong số rất nhiều tuyến đường hư hỏng trên địa bàn TPHCM như: Phan Anh, Bình Long, hương lộ 2, Phan Văn Hớn, quốc lộ 50... Chúng tôi chỉ xin chuyển đến lãnh đạo thành phố, lãnh đạo ngành GTCC và chính quyền địa phương lời đề nghị tha thiết của người dân: Xin các vị hãy bớt chút thời gian hội họp, "vi hành" bằng xe gắn máy đến những con đường tan nát này thì ắt sẽ thấu hiểu nỗi khổ và bức xúc của người dân.
Theo Lao Động