Trước việc ngày 10.12, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phát đi thông báo ‘khẩn’ yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp phải dời trụ sở khỏi chung cư sau 15 ngày nhận được thông báo. Nhiều doanh nghiệp đã phản ứng cho rằng cần phải có lộ trình và thời điểm này là cao điểm thời vụ, lại là lúc năm hết tết đến.
Lý do được Sở này nêu việc phải di dời các trụ sở khỏi chung cư vì hoạt động kinh doanh tại các chung cư đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân sống tại đây.
Nhiều cửa hàng vẫn bán mua bình thường tại chung cư. Ảnh: Quang Huy
|
Doanh nghiệp chưa đồng thuận
Qua quá trình tìm hiểu và ghi nhận của chúng tôi, thì hầu hết các doanh nghiệp cơ sở kinh doanh tại các chung cư đều cho rằng: chưa nhận được thông báo nào từ cơ quan chức năng. Và họ lên tiếng, nếu Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ đạo phải di dời khỏi chung cư tức thời thì rất khó, không hiểu cho người dân, không nghĩ tới đây là thời điểm buôn bán giáp tết như thế này.
Khảo sát của chúng tôi tại khu vực chung cư gần Hàng Xanh, nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tỉnh, Bình Thạnh vẫn đầy ắp bảng hiệu mua bán kinh doanh của các đơn vị thuộc mặt bằng tầng trệt chung cư. Tại đây có một cửa hàng tiện ích bán nhiều mặt hàng phục vụ cho hầu hết cư dân chung cư và khu vực lân cận. Trả lời chúng tôi về câu hỏi liệu có phải di dời khi nhận được thông báo, chị Hằng cửa hàng trưởng phản ứng: để có cửa hàng tiện ích này chúng tôi phải đầu tư rất tốn kém, ký hợp đồng dài với các chủ đầu tư. “Không có chuyện, nhận thông báo là chúng tôi phải di dời”, chị Hằng gay gắt nói.
Tương tự, chúng tôi cũng đặt câu hỏi này với một công ty có văn phòng tại một chung cư ở quận 3. Người đại diện công ty này lập luận: cơ chức năng không nên vội vàng ‘đẩy’ doanh nghiệp ra khỏi chung cư mà cần phải có lộ trình, thống kê - rà soát lấy ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp để đưa ra những biện pháp dung hòa nhưng hợp lý. “Còn nếu doanh nghiệp đã hoạt động trước khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, thì giải quyết ra sao”, vị đại diện doanh nghiệp đặt vấn đề.
Một chủ đầu tư dự án căn hộ, khi được hỏi Luật nhà ở đã qui định “cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở”, vị chủ đầu tư này thông tin: một dự án trước khi triển khai đều phải qua các khâu thẩm duyệt rồi mới cấp phép các công năng của chung cư đó. Chẳng hạn, nếu chung cư được cấp phép có chức năng trung tâm thương mai dịch vụ thì doanh nghiệp mới triển khai mô hình thương mại dịch vụ, không cấp sao doanh nghiệp dám làm. Vị này cho rằng: muốn di dời doanh nghiệp khỏi chung cư thì cần tính đến thời gian đã cấp phép trước đó cho doanh nghiệp, và chung cư xây trước khi luật có hiệu lực thì nên cho tồn tại.
Nét riêng của Sài Gòn
Trả lời chúng tôi về các vấn đề liên quan đến việc di dời ‘khẩn’ doanh nghiệp khỏi chung cư. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) thắc mắc, nếu muốn các doanh nghiệp di dời khỏi chung cư cũng phải có lộ trình dài hạn chứ không nên cứng nhắc. Việc gấp rút yêu cầu các doanh nghiệp di dời khỏi chung cư trong thời điểm này sẽ gây ra nhiều khó khăn vì dịp tết mua bán đang cận kề.
“Khi thực hiện vấn đề này cần phải chú ý đến đặc thù của TP.HCM là từ trước năm 1975, dân thành phố vẫn sử dụng các chung cư để lập văn phòng, mở công ty kinh doanh. Đó là đặc thù riêng của thành phố, nên cần phải cho TP.HCM có một cơ chế riêng”, ông Châu kiến nghị.
Nhiều công ty cho rằng không nhận được thông báo. Ảnh: Quang Huy
|
Cũng theo ông Châu, tại điều 6, Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 1.1.2015 đề cập đến việc cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở. Nghị định 99/2015 cũng hướng dẫn thi hành Luật nhà ở có điều khoản quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được phép sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh từ sau 10.6.2016.
“Tuy nhiên, thiếu sót của luật là từ trước đến nay chưa có chế tài cụ thể hoặc chưa có cơ sở xử phạt đối với hành vi vi phạm này”, ông Châu nói, và cho hay Horea đang kiến nghị lên các cơ quan cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hoặc đặt trụ sở, chi nhánh công ty tại chung cư giãn lộ trình di dời từ 2017 đến 2020. Thời gian để di dời tối thiểu là một năm và tối đa là 3 năm.
Ngoài ra ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, việc trục ‘đẩy’ doanh nghiệp ra khỏi chung cư vô hình chung đã là rào cản, hạn chế điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp cho giới trẻ. Chẳng hạn, khi mới khởi nghiệp, các doanh nghiệp thường là siêu nhỏ với số lượng nhân sự chỉ khoảng 3 -5 người, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của cư dân chung cư.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM còn đề nghị sửa đổi khoản 11 điều 6 Luật Nhà ở theo hướng cho phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp siêu nhỏ, có số lao động không quá 3 người được hoạt động tại căn hộ chung cư để khuyến khích mọi người cùng khởi nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới