TP.HCM: Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng 2% phí bảo trì chung cư

Cập nhật 31/03/2018 08:17

“Carina cũng nằm trong trường hợp chủ đầu tư chưa bàn giao 2% kinh phí bảo trì” – ông Tuấn cho hay, đồng thời cho rằng sự việc vừa qua sẽ “thức tỉnh” chủ đầu tư…

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn.

Ngày 30/3 UBND TP.HCM đã tổ chức buổi họp triển khai chỉ thị về PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thực tế có nhiều chủ đầu tư chiếm dụng 2% phí bảo trì chung cư nên khi cư dân yêu cầu không có để bàn giao.

Theo ông việc này là không minh bạch vì người dân không biết chủ đầu tư sử dụng vào mục đích gì? bảo trì có đúng không? định mức bảo trì có phù hợp không… dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố.

“Carina cũng nằm trong trường hợp chủ đầu tư chưa bàn giao 2% kinh phí bảo trì” – ông Tuấn nói, đồng thời cho rằng sự việc vừa qua sẽ “thức tỉnh” chủ đầu tư trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư và bàn giao phí bảo trì.

“Tuần vừa rồi nhiều nơi tổ chức hội nghị nhà chung cư và cư dân đi 100%, thậm chí là chủ hộ đi chứ không có người giúp việc đi vì họ ý thức được trách nhiệm của mình” – ông Tuấn thông tin.

Trao đổi thêm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định rằng nguồn quỹ bảo trì của những chung cư (quy mô khoảng 18 tầng) lên đến gần 20 tỷ.

Theo ông con số này lớn hơn vốn của nhiều công ty hiện nay, do vậy cần phải có một ban quản trị hoạt động hiệu quả.

Đề cập đến căn hộ chung cư, ông Châu khẳng định đây là xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa, tuy vậy ông cũng nêu ra nhiều bất cập của loại hình nhà ở này.

Cụ thể, thống kê cho thấy hiện thành phố còn hơn 400 chung cư cũ trước năm 1975 không có hệ thống PCCC, nhiều chung cư ở trong hẻm – nơi chỉ kê một chiếc bàn là không còn lối thoát khi xảy ra sự cố.

Trong khi đó ở những chung cư mới có trường hợp chủ đầu tư dành đất làm đường nhưng không đảm bảo tải trọng cho xe chữa cháy cỡ lớn đi vào.

Ngoài ra nhiều chung cư nhà ở xã hội có hệ thống PCCC không đảm bảo, hệ thống báo cháy liên tục báo giả nên cư dân rất bình thản, thậm chí “yêu cầu tắt đi để không làm phiền”, cửa ngăn khói bị mở ra cho tiện đi lại, lối thoát hiểm bị chiếm dụng…

Cùng nêu ý kiến tại đây, Đại tá Trần Đức Tài – Phó giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh rằng “không có nơi nào an toàn nếu người dân ở đó không có ý thức”.

Không chỉ với chung cư, Đại tá Tài còn bày tỏ lo ngại về những nơi như nhà hàng, vũ trường, beer club hay một số nơi “hoạt động như vũ trường nhưng không đảm bảo các điều kiện như vũ trường”.

Ông cho rằng đây là những nơi rất dễ gặp hỏa hoạn vì dùng nhiều vật liệu dễ cháy khi xây dựng (bàn ghế, đệm mút, vật cách âm) cộng với thói quen của người sử dụng (hút thuốc), còn chủ thì luôn tìm cách đối phó khi bị xử phạt.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị đặc biệt chú trọng đến công tác PCCC, không chỉ tại chung cư mà còn ở các loại hình nhà ở khác.

Nhắc lại sự việc tại chung cư Carina, ông Phong nêu ra hàng loạt thiếu sót từ đó dẫn đến hậu quả đau lòng. Theo ông đó là báo cháy chậm, xử lý tại chỗ kém hiệu quả, cơ quan chức năng kiểm tra chưa nghiêm, xử phạt chưa quyết liệt…

“Cư dân chưa tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, hướng dẫn thực hành PCCC và cứu hộ cứu nạn nên khi xảy ra cháy rất lúng túng” – ông Phong cho hay và nhận định rằng nếu phát hiện nhanh và xử lý ngay thì hậu quả vụ cháy không lớn đến vậy.

“Đây là bài học cho chủ tịch các quận” – ông nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet