TP.HCM: Nhà đất đóng góp đáng kể vào ngân sách

Cập nhật 30/05/2017 16:19

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và thu chi ngân sách tháng 5, năm tháng đầu năm 2017 của TP.HCM, bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng qua trên địa bàn ước đạt 147.461 tỷ đồng, đạt 42,39% dự toán, tăng 18,4% (số % tăng giảm là so với cùng kỳ năm 2016).


Trong đó, thu thuế 97.552 tỷ đồng, đạt 43,07% dự toán, tăng 22,25%. Theo đại diện Sở Tài chính, nhiều khoản thu khác cũng khá cao, cụ thể là thu từ tiền sử dụng đất ở mức 8.549 tỷ đồng, đạt trên 61% dự toán năm và tăng 77,2%.

Trong 5 tháng đầu 2017, trên địa bàn Thành phố đã phát sinh vài khoản thu lớn do một số đơn vị nộp tiền sử dụng đất, như Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (chủ đầu tư Empire City ở Thủ Thiêm, quận 2) đã nộp khoảng 2.800 tỷ đồng, Công ty Tân Hoàng Minh nộp 264 tỷ đồng tiền sở hữu khu đất vàng 23 Lê Duẩn, quận 1.

Báo cáo từ Sở Tài nguyên - Môi trường cho thấy trong 5 tháng, hồ sơ nhà đất trình Sở xem xét, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu lên đến 520.000 hồ sơ, bình quân 50.000 hồ sơ mỗi tháng. Nguồn thu từ quyền sở hữu đất đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Các khoản thu từ tiền thuê mặt đất, mặt nước cũng góp trên 2.000 tỷ đồng, đạt trên 90% dự toán và tăng 29,05%, do có một số doanh nghiệp chuyển từ hình thức nộp tiền thuê đất hằng năm sang trả một lần.

Tuy khu vực nhà đất đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhưng lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, tránh tình trạng phát triển nóng, thổi giá đất như thời gian vừa qua (cũng là một trong những nguyên nhân gây biến động về lượng hồ sơ nhà đất trên địa bàn trong 5 tháng qua), hoặc số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này trong 5 tháng cũng đã tăng đáng kể. Bởi, lũy kế từ đầu năm 2017, trong số doanh nghiệp mới thành lập phân theo ngành nghề kinh doanh chính, bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (42,6%) với vốn đăng ký 82.644,4 tỷ đồng.

Cùng với nguồn thu từ đất đai, thu từ xuất nhập khẩu ở mức 42.600 tỷ đồng, đạt 39,08% dự toán, tăng 9,24%. Theo bà Thắng, khoản thu từ hoạt động này tăng nhưng năm 2017, nhiều dòng thuế nhập khẩu đã giảm theo lộ trình cam kết giữa Việt Nam với các nước là thành viên các hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như thuế nhập khẩu dòng ô tô dưới 9 chỗ từ khu vực ASEAN đã giảm từ 40% còn 30% dẫn đến số thuế thu được chỉ đạt 39% so với dự toán.

Năm tháng đầu 2017, chỉ số phát triển công nghiệp của TP.HCM ước tăng 7,29% (cùng kỳ tăng 6,4%). Trong đó, bốn ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm ước tăng 9,68, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành do mở rộng thị trường, đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Song, nếu xét theo từng ngành thì chỉ cơ khí - chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin là có mức tăng hai con số (lần lượt đạt mức tăng 19,35% và 12,1%), trong khi ngành chế biến lương thực - thực phẩm ước tăng 4,87%, còn hóa chất - cao su nhựa lại giảm do Trung Quốc không nhập cao su thiên nhiên từ Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG