Quyết định 60/2017/QĐ của UBND TPHCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa được đánh giá thông thoáng cho người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không giám sát chặt chẽ sẽ phát sinh nhiều tiêu cực như đã từng xảy ra trước đó trong quá trình tách thửa.
Đang có hiện tương gom đất để trục lợi theo quy định tách thửa mới.
|
Một trong những điểm khác biệt so với Quyết định 33 trước đây của UBND thành phố, là diện tích tối thiểu để được tách thửa theo Quyết định 60 quy định nhỏ hơn. Cụ thể, tại khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) là 36m2 và chiều ngang mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m (trước đây là 50m2 và 4m).
Tương tự, khu vực 2 (gồm các quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn ở các huyện) là 50m2 và không nhỏ hơn 4m (quy định cũ 80m2 và 5m). Khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ) là 80m2 và không nhỏ hơn 5m (quy định cũ 120m2 và 7m).
Đối với quy hoạch, chỉ xem xét tách thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang. Không tách thửa thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện thu hồi đất; tuy nhiên, sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch mà chưa thực hiện sẽ được tách thửa. Đây có thể xem là lần thay đổi có nhiều điểm thông thoáng, nhưng ở góc nhìn của một số nhà chuyên môn thì, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ phát sinh tiêu cực.
Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho đến nay, dù đã hơn nửa tháng kể từ ngày Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản của các sở, ngành hướng dẫn để quận, huyện có căn cứ triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, các quận, huyện cũng chưa xây dựng quy chế giải quyết tách thửa đất để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp nhằm thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố, trong lúc tình hình phân lô, tách thửa tại một số quận ven và huyện ngoại thành đang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại quận 9.
HoREA bày tỏ quan ngại về việc các “đầu nậu” lợi dụng để tách thửa các thửa đất lớn hơn 2.000m2 cũng như việc một số quận, huyện có thể dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa, phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích như trong thời gian trước đây.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trước khi Quyết định 60 có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư đã nhanh tay gom đất để tách thửa theo quy định mới, phổ biến tại các quận vùng ven như Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9. Anh Bình - một nhà đầu tư - cho biết, đã có hơn 5.000m2 tại đường Nguyễn Xiển (quận 9) đang nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, sau đó xin tách thửa. Tại một số khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè, một số nhà đầu tư có đất rộng đang cho bán rộng rãi những căn nhà có diện tích từ 20 - 50m2/căn, với giá 300 - 500 triệu đồng/căn.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động