Trong nhiều năm qua TPHCM đã tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư cho công tác chống ngập. Song bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn quá nhiều tồn tại, nhiều khu vực vẫn bị ngập lênh láng khi triều cường.
Nước chảy ngược từ cống thoát
TS. Võ Kim Cương, nguyên Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho biết hiện nay quy hoạch thoát nước, chống ngập của khu vực trung tâm đã có và nhiều công trình chống ngập lớn với mức đầu tư hàng tỷ USD đã được thực hiện, nhưng nhiều khu vực của TP vẫn bị ngập. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngập nặng dù đã được đầu tư nhiều công trình chống ngập là do mực nước tự nhiên của mưa và triều cường đã cao hơn độ cao nền xây dựng.
Nếu không kể tới nguyên nhân do biến đổi khí hậu và lún tự nhiên của công trình, ngập nước đô thị hiện nay là hậu quả của việc trên 60% đất đai của TP có cao trình thấp hơn 2m, những vùng trũng thấp có cao trình từ 0-0,5m là những vùng ngập triều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng thủy triều.
GS. Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội thủy lợi Việt Nam
|
Thực ra việc tính toán xác định độ cao san nền và lập quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước để chống ngập là một nội dung của quy hoạch đô thị, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết. Xác định cao độ san nền theo đúng quy hoạch cũng là công việc đầu tiên trong xây dựng một công trình. Về lý thuyết muốn không bị ngập độ cao nền xây dựng phải cao hơn mức nước cao nhất theo tần suất lịch sử.
Nhưng trên thực tế, tại TPHCM hiện nay các khu vực bị ngập do triều cường, nước đã chảy ngược từ cống thoát nước lên và ngập mặt đường, có chỗ sâu hơn nửa mét.
Những ngày qua, dù trời không mưa nhưng nhiều tuyến đường bị ngập nặng, nhất là tại các khu dân cư mới. Khu vực Thảo Điền (quận 2) đợt triều cường vừa qua nhiều tuyến đường ngập hơn 0,5m hay như đường Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) ngập đến nỗi nhiều phương tiện giao thông chết máy. Nhiều người phải dừng xe bên lề đường chờ nước rút hoặc tìm hướng khác để lưu thông. Khu vực đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) vốn là vùng trũng, nước từ các nơi khác đổ về gây ngập sâu hơn 0,5m…
Giám đốc một công ty xây dựng cho biết tại nhiều dự án khu dân cư mới được duyệt hơn 10 năm về trước, đến thời điểm hiện nay cốt nền không còn phù hợp, nên phần lớn bị ngập nặng khi có mưa hay triều cường.
Nhiều khu vực TPHCM người dân phải ám ảnh khi triều cường lên gây ngập nước dù không mưa.
|
Giải pháp nào?
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho biết để giải quyết thoát nước và chống ngập, TP đang triển khai 2 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó một loạt dự án được triển khai trên cơ sở các quy hoạch nói trên đã được thực hiện. Tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế.
Cụ thể theo quy hoạch xây mới và cải tạo 6.000km hệ thống thoát nước, nhưng đến nay mới thực hiện được 2.593km; kế hoạch xây 104 hồ điều tiết nhưng hiện đang triển khai xây dựng 3 hồ điều tiết; cải tạo 60,3km/4.369km; xây dựng 1/10 công kiểm soát triều; xây dựng 64km/129km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn; xây dựng 0,42km/20km đê bao bờ tả sông Sài Gòn…
Theo ông Long mục tiêu từ nay đến năm 2020 TP sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2, với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và không gian đô thị; góp phần cải thiện đời sống dân sinh. Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, TP cũng tập trung nhiều giải pháp có tính dài hơi.
Theo đó, một số dự án lớn đang được triển khai, như dự án quản lý rủi ro ngập khu vực TPHCM, trong đó có nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương- Bến Cát- rạch Nước Lên với chiều dài 32km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500ha; nạo vét cải tạo rạch xuyên tâm dài 8,2km… với tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 cho các dự án này gần 100.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, TPHCM nằm trọn trong lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai - Soài Rạp và tình trạng ngập lụt chịu tác động rất lớn từ chế độ tiêu thoát nước của hệ thống sông này. Về nguyên tắc, bất luận việc tiêu thoát của con sông nào cũng đều phải phụ thuộc vào lũ, triều và khả năng chịu tải. Trong đó, xét tương tác giữa lũ và triều có thể chia 1 con sông thành 4 đoạn: Đoạn trên cùng thượng nguồn chịu ảnh hưởng lũ hoàn toàn; đoạn thứ 2 là lũ chịu ảnh hưởng bởi triều; đoạn thứ 3 là triều chịu ảnh hưởng bởi lũ và đoạn cuối cùng là chịu ảnh hưởng hoàn toàn của triều.
TPHCM nằm ở đoạn thứ 3 và thứ 4 của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai - Soài Rạp, nên xem như mực nước sông lên xuống chịu chi phối hoàn toàn bởi thủy triều. Vì vậy, chỉ cần xây dựng một hồ chứa ở cửa hệ thống sông Sài Gòn - Soài Rạp sẽ giải quyết được căn cơ không chỉ đối với vấn đề ngập lụt của TPHCM, mà còn có nhiều tác động tích cực tới tổng thể điều tiết nguồn nước cho cả khu vực Đồng Tháp Mười, cũng như phát triển tổng hòa kinh tế-xã hội trục kinh tế ven biển các tỉnh Tiền Giang - TPHCM - Vũng Tàu.
Xây dựng các hồ chứa cửa sông là phương án nhiều nước có tình trạng tương đồng TPHCM đã xây dựng từ lâu như Hà Lan, Hàn Quốc, Nga...
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP