Vùng đô thị trung tâm với hạt nhân là TP.HCM và các vùng phụ cận liền kề gồm một phần của Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngày 22-12, UBND TP.HCM cho biết vừa gửi Bộ Xây dựng bản góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP.HCM lần này chú trọng vào vùng đô thị trung tâm. Trong đó, đô thị hạt nhân là TP.HCM và vùng phụ cận liền kề gồm nửa phía nam tỉnh Bình Dương với trọng tâm là Thủ Dầu Một, cuối phía tây tỉnh Đồng Nai với trọng tâm là Biên Hòa - Nhơn Trạch và một hành lang dọc khu tăng trưởng phía tây của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Vùng đô thị trung tâm không còn phụ thuộc ranh giới hành chính. Điều này có khác so với quy hoạch vùng được phê duyệt năm 2008. Lúc đó, khi đưa ra chiến lược phát triển lấy ranh giới hành chính TP.HCM là hạt nhân trung tâm kết nối với hệ thống các đô thị ở các tỉnh xung quanh.
Các tuyến metro sẽ giúp TP.HCM mở rộng vùng đô thị trung tâm.
|
UBND TP.HCM thống nhất với hướng phát triển liên kết chặt chẽ vùng đô thị trung tâm về cấu trúc đô thị, cơ sở hạ tầng. TP.HCM cũng đề xuất tái phát triển hệ thống GTVT đường thủy giữa các đô thị chính trong vùng đô thị trung tâm.
Mô hình vùng đô thị trung tâm được TP.HCM kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng đô thị hóa dàn trải, tràn lan. Bên ngoài vùng đại đô thị trung tâm sẽ phát triển vành đai xanh ngăn cách với các tiểu vùng khác.
Các tiểu vùng trong TP.HCM được đồ án đề xuất phân chia thành bốn vùng: vùng một gồm đa phần diện tích phía bắc của vùng, nằm trong rừng hoặc vùng nông nghiệp lâu năm gồm cả tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc Bình Dương.
Vùng 2 gồm các phần phía đông tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng nông nghiệp. Vùng 3 là phần phía tây nam gồm toàn bộ tỉnh Tiền Giang và Long An là vùng nông nghiệp lúa nước thâm canh.
Vùng 4 là đô thị trung tâm gồm TP.HCM và các vùng phụ cận như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc của Long An; Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên của Bình Dương; Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu của Đồng Nai.
TP.HCM đang đối diện với những vấn đề của đô thị do dân số tăng nhanh, số lượng người nhập cư tăng liên tục gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội. Do đó, việc mở rộng vùng đô thị trung tâm sẽ giúp TP.HCM giải quyết các vấn đề của đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP