Nhiều quận, huyện không cấp số nhà tạm vì sợ bồi thường cao. Các quận, huyện thiếu tên đường trầm trọng vì tiêu chí đặt tên đường quá khắt khe.
“10 năm rồi TP triển khai công tác cấp, chỉnh sửa số nhà, không phải là thời gian ngắn nhưng tại sao đến bây giờ số nhà vẫn lộn xộn?”. Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đã đặt vấn đề như vậy tại hội nghị sơ kết 10 năm cấp và chỉnh sửa số nhà theo Quyết định 1958 năm 1998 của UBND TP hôm qua (27-11).
Bưu điện cũng được cấp số nhà
Sở Xây dựng cho biết từ sau năm 1975, TP chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền cấp số nhà nên có một thời gian nhiều ngành, từ công an, xã, phường, đến bưu điện... đều được cấp số nhà dẫn đến tình trạng không đồng bộ. Nhiều quận, huyện có số nhà bị trùng, nhảy cóc, nhà mặt tiền mà mang xuyệt, chẵn lẻ lộn xộn, nhà đường này, địa chỉ đường kia rất bất tiện trong giao dịch, nhất là các quận, huyện như Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh...
Tại một số quận ven, quận mới tách có những tuyến đường không có tên, có nhiều đường do người dân tự gọi theo địa danh cũ hoặc tự đánh số. Số lượng đường chưa có tên cần được đặt tên còn rất lớn (huyện Bình Chánh 160 đường, quận Bình Tân 106 đường, quận 12 có tới 400, 500 đường...).
Nhầm lẫn quản lý với tình trạng pháp lý
Quan điểm của Sở Xây dựng về số nhà là để phân biệt nhà này với nhà khác chứ không đồng nghĩa với việc công nhận quyền sở hữu. Do đó, không cần phải phân biệt tình trạng pháp lý nhà khi cấp số nhà. Năm 2006, sở này ban hành Hướng dẫn 1065 về cấp số nhà tạm theo hướng không giới hạn đối tượng như trước nữa. Tuy nhiên, chỉ có một số quận, huyện thực hiện. Chẳng hạn như quận Bình Tân cấp số nhà tạm cho những trường hợp nhà nằm trong khu quy hoạch nhưng xây dựng trước ngày 1-7-2004. Khu dự án phân lô chuyển nhượng trái phép của dự án Nguyễn Văn Minh Ngọc trước đây cũng được giải quyết cấp số nhà tạm.
Tuy nhiên, nhiều nơi, nhất là các quận, huyện có nhiều dự án đầu tư xây dựng đang bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn lúng túng hoặc không giải quyết cấp số nhà tạm. “Vẫn còn quận, huyện quan niệm nhà được cấp số thì xem như sẽ được hợp thức hóa và được giải quyết các chính sách liên quan như bồi thường theo giá nhà có chủ quyền” - một cán bộ Sở Xây dựng nhận xét. Năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 05 cũng về cấp số nhà nhưng có những điểm khác biệt với Quyết định 1958 của TP. “Cả hai văn bản đều còn hiệu lực, vậy áp dụng cái nào? Nếu thực hiện theo thông tư mới thì toàn bộ số nhà cũ và mới ở TP đều xáo trộn” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng nói.
Quỹ tên đường cung không đủ cầu
Một trong những khó khăn dẫn đến công tác cấp, chỉnh sửa số nhà trong 10 năm qua chưa tốt là thiếu sự phối hợp giữa công tác chỉnh sửa số nhà và công tác đặt, đổi tên đường. Việc đặt, đổi tên đường tại các quận, huyện còn đi lòng vòng nhiều cấp. “Thủ tục này quá lâu, đề nghị rút ngắn lại. Quận Tân Bình xin đặt một số tên đường từ năm 2003... mà đến tháng 10-2008 mới được giải quyết. Mất bốn năm cho một thủ tục!” - bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình, kiến nghị.
Ông Phạm Trọng Hiền, Phó phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP), cho biết quỹ tên đường của TP trước đây có 195 tên, đã xài hết mấy chục tên. Sở này đang đề xuất thêm hơn 213 tên đường nữa nhưng vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu. Ông Hiền đề nghị các quận thống kê lại số lượng đường đủ tiêu chuẩn mà chưa được đặt tên, thông báo đến Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Việc đặt tên đường cũng phải phù hợp tiêu chí. “Vừa qua, quận Tân Phú đề nghị đặt 52 tên đường nhưng hầu hết tên đường quận đưa ra là tên các bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc liệt sĩ ở địa phương. Trong khi đó, tiêu chí để được đặt tên đường là thật tiêu biểu vì tên ấy được cả TP, cả nước biết. Do đó, hội đồng đã đề nghị thay đổi lại rất nhiều” - ông Hiền lưu ý.
>3,2 tỉ đồng để thí điểm cấp số nhà, tên đường
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP