TPHCM: Mặt đường có tái lập trước 23 tháng chạp?

Cập nhật 15/01/2009 08:40

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, các nhà thầu phải nhanh chóng dẹp bỏ lô cốt và tái lập mặt đường khi hoàn thành công trình. UBNDTP cũng yêu cầu đơn vị thi công thu gọn “lô cốt” trả lại thêm phần đường cho các phương tiện giao thông trước ngày 18-1, tức 23 tháng chạp.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ngày hôm qua (14-1), việc thực hiện chỉ đạo trên của các đơn vị thi công trên nhiều tuyến đường rất chậm chạp và lại cẩu thả.

Mặt đường như sóng biển

Hiện nay, con đường mà người nào cũng sợ mỗi khi đi qua là tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc. Sau nhiều năm chịu đựng việc thi công “rùa bò” của hàng loạt dự án, con đường này đã trở thành một “đại công trường”. Cách đây vài năm, tuyến đường được mở rộng nhằm giảm tải cho hai đường Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, nhưng giờ chẳng ai dám đi vì mặt đường quá nhỏ, bụi bay mù mịt.

Đó là chưa kể hàng chục hố sâu nằm rải rác chực chờ “bẫy” người đi đường. Sau khi có thông tin dỡ bỏ một số lô cốt, dân chưa kịp mừng thì “lô cốt” mới đã xuất hiện và dĩ nhiên hệ quả tất yếu là… kẹt xe. “Có thông thoáng hơn trước, nhưng mặt đường quá xấu nên tốc độ lưu thông vẫn rất chậm. Chuyện ùn tắc làm sao tránh khỏi” - anh Thái Thành Tâm, ngụ đường Hoàng Việt, quận Tân Bình nhận xét.

Tình trạng này xuất hiện khắp nơi. Lưu thông từ hướng đường Kỳ Đồng (quận 3) về Tân Bình, trên hầu hết các tuyến đường chỉ còn hơn một mét chiều ngang là tương đối bằng phẳng, phần còn lại đất đá lởm chởm. Hàng rào thi công đã được tháo dỡ nhưng chưa thấy đơn vị thi công tái lập mặt đường.

Một “con đường đau khổ” khác là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đối diện siêu thị điện máy Tự Do có một “lô cốt”, hai bên đường vừa đủ lọt chiếc xe buýt, mặt đường sần sùi khiến người lưu thông không khác gì đua xe địa hình.

Ông Lê Minh Hoàng, nhân viên cây xăng ngay “lô cốt” trên nói: “Ngày nào chỗ này cũng xảy ra tai nạn, nhẹ thì xì bánh xe té ngã, nặng thì bị gãy tay chân”. Nhiều đoạn làm xong nhà thầu đã tháo dỡ rào chắn, có trải nhựa nhưng chỉ cho có lệ, mặt đường nhấp nhô như “sóng biển”.

Tương tự, trên đường Lạc Long Quân có những đoạn nhà thầu chỉ trám một lớp nhựa mỏng bên trên, chỉ sau một thời gian ngắn mặt đường đã bị cày xới tạo thành vô số ổ gà.

Trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Lý Thường Kiệt (Tân Bình) hiện vẫn còn tồn tại vài lô cốt, phần đường xung quanh cũng nham nhở. Những rãnh sâu vắt ngang mặt đường, thi công xong đổ đá dăm nhưng chưa trải nhựa, xe cộ lưu thông đá văng loạt soạt rất dễ xảy ra tai nạn.

“Bực nhất là việc tái lập mặt đường. Đơn vị thi công đào chỗ nào lấp chỗ đó, còn những chỗ khác do lún sụt trong thi công thì họ không chịu sửa. Phần tái lập lại mặt đường, hình như họ chỉ làm cho có, thậm chí sau khi tái lập, mặt đường hiện hữu và phần tái lập chênh nhau vài chục milimét”- ông Phạm Minh Tân ngụ phường 8, Tân Bình nói.

Bẫy trên đường


Ngoài việc tái lập mặt đường không đúng nguyên trạng, còn rất nhiều “lô cốt” tại các quận 5, 6, Bình Thạnh và Phú Nhuận… hết hạn thi công nhưng rào chắn vẫn còn, việc tái lập mặt đường cũng không được thực hiện. Nhiều nơi được gia hạn 3, 4 lần và cũng đã hết hạn nhưng vẫn chưa thi công xong.



Sau khi dọn “lô cốt” dưới chân cầu Công Lý
(đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đơn vị thi công
dùng tấm sắt lót, tạo những rãnh dễ gây tai
nạn (ảnh chụp ngày 14-1). Ảnh: Ngọc Hiếu.

Hầu hết những công trình nâng cấp hạ tầng trong TP là những hố ga thuộc công trình thoát nước. Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, con đường nối sân bay Tân Sơn Nhất với trung TP nhưng mặt đường lồi lõm nhấp nhô.

“Tôi đi nhiều nơi trên cả nước, chưa thấy nơi nào đường xấu như tuyến này”- anh Phạm Ngọc Công, giảng viên Đại học Đà Nẵng, nhân chuyến công tác tại TPHCM nói. “Tôi chứng kiến nhiều phụ nữ chạy xe bị mất lái, va quẹt thường xảy ra trên tuyến đường này”- anh Phạm Văn Chương, nhân viên Công ty Cao su Bình Lợi kể.

Dọc trên tuyến này, phần đường tái lập lồi lõm, cộng thêm chuỗi hố ga nâng cao khỏi mặt đường là nguy cơ rình rập người đi đường. Tương tự, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, kênh Nhiêu Lộc, mặt đường nhấp nhô đã trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông.

Bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều mặt đường được tái lập với chất lượng kém, lớp nhựa trên lằn phui bị lún xuống vài centimet so với mặt đường hiện hữu. Trên các đường Nguyễn Trọng Tuyển, Trần Huy Liệu (Phú Nhuận), Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), có một số đoạn mặt đường mới được tái lập đã bị lún, gợn sóng.

Những ngày vừa qua, Ban An toàn giao thông TP, Thanh tra Sở GTVT đã liên tục kiểm tra việc tái lập mặt đường, tém gọn “lô cốt”.

Ông Trần Hồng Nam, Phó Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP cho biết, từ nay đến ngày 18-1, Thanh tra sở bắt buộc các đơn vị thi công cũng như nhà thầu phải tái lập mặt đường và dọn vệ sinh sạch sẽ. Thanh tra sở sẽ ráo riết kiểm tra và xử lý nghiêm các nhà thầu thi công không chịu tái lập mặt đường, tém gọn “lô cốt”, trong đó tập trung xử lý nhà thầu vi phạm.

Theo quy trình, việc kiểm tra, giám sát tái lập mặt đường được thực hiện rất chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là vì sao vẫn còn tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả, làm cho có lệ? Hiện TP còn 170 cái lô cốt và gần 50km đường đang bị đào.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng