Lần đầu tiên trong cả nước, có 2 địa phương đã cùng bắt tay nhau xây dựng một khu công nghiệp xử lý rác lớn nhất nước: Khu công nghiệp xử lý rác Long An - TPHCM, rộng tới 1.760 ha đặt tại huyện Thủ Thừa, Long An.
Ông Nguyễn Văn Chiến (ảnh), Phó Giám đốc Thường trực Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM - đơn vị có trách nhiệm quản lý lập quy hoạch dự án này cho biết:
Đây là một trong những nội dung hợp tác mang tính chất chiến lược rất quan trọng của 2 địa phương: TPHCM và tỉnh Long An, đã được Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp không những xử lý rác cho TPHCM, Long An mà còn cho nhiều địa phương lân cận. Sự xuất hiện của khu này cũng sẽ dần dần xóa đi thói quen “mạnh ai nấy xử lý rác” khu trú trong từng địa phương và mở ra xu hướng liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong lĩnh vực xử lý rác và nhiều vấn đề khác liên quan đến môi trường.
- Một khu công nghiệp xử lý rác với quy mô như vậy khi đi vào hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường xung quanh không?
Một trong những tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng khu công nghiệp này là công nghệ xử lý rác của các nhà máy trong khu phải hiện đại, phù hợp với thực tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. TPHCM và tỉnh Long An đã thống nhất dành khoảng 1.000 ha đất trong diện tích 1.760 ha của khu công nghiệp để trồng cây xanh, làm hành lang bảo vệ môi trường. Với tất cả những điều ấy, tôi chắc chắn rằng, khu công nghiệp xử lý rác Long An - TPHCM khi đi vào hoạt động sẽ không gây ra những tác động không tốt cho môi trường.
- Khu công nghiệp này sẽ áp dụng các loại hình xử lý rác gì, thưa ông?
Rất đa dạng. Tại đây sẽ có các khu chôn lấp chất thải hợp vệ sinh, đốt chất thải hữu cơ có kết hợp xử lý khí thải, tái chế chất thải công nghiệp không nguy hại, tái chế chất thải sinh hoạt, sản xuất phân bón, trộn và đóng khối chất thải vô cơ, sản xuất điện và khí hóa lỏng, xử lý nước thải, xử lý nước cấp…
- Công tác giải tỏa bao giờ xong? Khi nào khu công nghiệp này mới hoạt động?
Công tác đền bù giải tỏa đã được tiến hành từ năm 2004 và đến nay đã cơ bản xong, chỉ còn 15 ha và 11 hộ dân. Dự kiến tuần sau, tỉnh Long An sẽ làm việc thêm với những hộ còn lại để nhanh chóng hoàn tất công tác giải tỏa; tiến hành cắm ranh, giao mốc và bàn giao đất cho TPHCM. Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cũng đã đề xuất UBND TPHCM chọn một đơn vị tư vấn nước ngoài viết dự án đầu tư cho khu công nghiệp song song với việc hoàn tất một số thủ tục khác như làm quy hoạch chi tiết, lập phương án trồng rừng… Cả hai địa phương đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, đầu tư để sớm đưa khu công nghiệp này vào hoạt động.
An Nhiên
(Theo SGGP)