Nhìn vào báo cáo tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) trong ba tháng qua của các công ty nghiên cứu BĐS, có thể thấy nguồn cung căn hộ cao cấp đang tăng lên nhanh chóng. Liệu có xảy ra tình trạng “bội thực” căn hộ cao cấp trong thời gian tới?
Một dự án bất động sản cao cấp tại Quận 7, TPHCM. Ảnh: TL
|
Tuy có sự chênh lệch giữa số liệu của các báo cáo nhưng nhìn chung nguồn cung căn hộ cao cấp đang tăng dần và chiếm tỉ trọng cao trong toàn bộ thị trường. Trong nhiều tháng tới, thị trường này sẽ còn tiếp nhận nhiều dự án hạng sang và cao cấp mới.
Theo CBRE, về cơ cấu căn hộ chào bán ba tháng qua ở TPHCM thì phân khúc cao cấp chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 41%; đứng thứ hai là phân khúc trung cấp, chiếm 39%. Ước tính trong năm 2016 sẽ có hơn 18.200 căn hộ hạng sang và cao cấp được chào bán và khoảng 41.000 căn ở những năm kế tiếp. Trái lại, nguồn cung nhà ở hợp túi tiền (600 triệu – 1,2 tỉ đồng mỗi căn) lại đang khan hiếm so với nhu cầu thực.
Còn theo Cushman & Wakefield, căn hộ hạng A và B đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng số lượng căn hộ sẵn sàng để bán, trong đó hạng B chiếm khoảng 40%, hạng A chiếm khoảng 33%. Savills thì cho biết, căn hộ hạng A có tỉ lệ hấp thụ cao nhất với 23%.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS TPHCM đang tràn ngập dự án nhà ở cao cấp là do các chủ đầu tư có thể đã quá kỳ vọng vào tiến trình hội nhập TPP và các hiệp định thương mại của Việt Nam, kéo theo thị trường BĐS phát triển nóng, và nhu cầu nhà ở được nâng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào một nhu cầu "ảo" ở phân khúc này.
Theo ông Hiếu, khách mua căn hộ cao cấp chủ yếu là để đầu tư, găm hàng sau đó mới bán ra, còn người mua có nhu cầu thật, mua để ở thì rất ít. “Do đó, các nhà đầu tư có quyền kỳ vọng rằng phân khúc cao cấp mang lại lợi nhuận lớn, nhưng về tính thanh khoản thì phải xem xét lại”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, nếu không có những chính sách thắt chặt tài khóa thì hoàn toàn có thể xảy ra dư cung căn hộ cao cấp vào cuối năm nay, và tiếp theo là “bong bóng” vào năm 2017. Ông Hiếu cho rằng, cần thận trọng quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian, để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Còn theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, các nhà đầu tư thời gian qua đã quá kỳ vọng vào việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo các quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam rất ít, bởi không phải ai cũng có điều kiện mua nhà, đặc biệt là nhà ở cao cấp.
Tuy vậy, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, tình trạng “bội thực” nguồn cung BĐS cao cấp vẫn chưa xảy ra vì mức hấp thụ của thị trường này khá tốt. Bên cạnh đó, các chính sách nhằm thắt chặt tín dụng BĐS và kiểm soát nguồn cung mới cũng sẽ góp phần kiểm soát thị trường này tốt hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG