Sở Xây dựng TP.HCM cho biết 5 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà chung cư phát triển tăng mạnh, phù hợp với quy hoạch phát triển chung của TP.HCM, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở, chỉnh trang phát triển đô thị, làm cho bộ mặt đô thị TP.HCM thay đổi.
Qua kiểm tra hoạt động xây dựng - kinh doanh, vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP.HCM, Sở Xây dựng nhận thấy bên cạnh nhiều chủ đầu tư chăm sóc khách hàng rất tốt, từ khâu bán hàng đến chất lượng công trình, thì cũng bộc lộ nhiều bất cập như tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng, giữa BQT và cư dân… Phần lớn các dự án ra đời từ Nghị định 90/2006 của Chính phủ.
Theo đó, dựa trên cơ sở của chủ đầu tư và các hồ sơ pháp lý khác, Sở Xây dựng phê duyệt dự án đầu tư, giao quyền chủ động cho chủ đầu tư thực hiện theo quy định, rồi thực hiện chức năng hậu kiểm.
Nhưng thực tế cho thấy, tính chuyên nghiệp và tự giác của nhiều chủ đầu tư không đáp ứng; năng lực hậu kiểm, năng lực quản lý cũng không đảm bảo nên mới xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp "lùm xùm" như vừa qua.
Đối với các ban quản trị (BQT) cũng có nhiều vấn đề. Có trường hợp người tham gia BQT nhưng động cơ mục đích không trong sáng; nhận thức không đúng vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, dẫn đến vi phạm pháp luật.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có trường hợp BQT không đặt lợi ích cư dân trên hết, có yếu tố kích động gây rối, không vì sự bình yên của cư dân, buộc cơ quan chức năng phải dùng biện pháp khác để xử lý… Đây là cơ chế tự quản, trong điều kiện pháp luật chưa chặt chẽ, người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, dẫn đến bị thiệt hại.
Đại diện Sở này thông tin cho thấy theo kế hoạch chúng tôi đã báo cáo UBND TP.HCM, cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới sẽ tổ chức hội nghị công tác quản lý nhà chung cư. Tại hội nghị, bên cạnh đánh giá hoạt động thực trạng nhà chung cư thì sẽ phân tích và đưa ra những kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật, điều chỉnh những lỗ hổng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, từ thông tư của các bộ đến nghị định của Chính phủ.
Theo đó, để xảy ra tình trạng không tốt như vừa qua, chủ yếu là do năng lực quản lý không theo kịp. Trong chỉ đạo điều hành, phải thay đổi cơ chế quản lý cho phù hợp để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới đối với nhà chung cư.
Nếu không sẽ bị động, xảy ra hết chung cư này đến chung cư khác, cứ chạy theo xử lý sự vụ mà không có cơ chế pháp luật để ngăn ngừa vi phạm một cách triệt để, minh bạch thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản của TP.HCM.
DiaOcOnline.vn – Theo Cafef