TP.HCM không cấm doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ để bán

Cập nhật 18/06/2014 10:07

“Việc chia nhỏ căn hộ, TP.HCM không làm khó doanh nghiệp nhưng phải hết sức cẩn trọng, đồng bộ cả lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và người dân”.

TP.HCM đề ra các tiêu chí khá khắt khe đối với việc chẻ nhỏ căn hộ (ảnh Ngôn Dân).

Đây là quan điểm của UBND TP.HCM trước kiến nghị của nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) xin chia nhỏ căn hộ để giảm tồn kho.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 11 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư khoảng 7.644 tỷ đồng. Tại 11 dự án này, chủ đầu tư xin chia nhỏ từ 4.965 căn tăng lên 9.153 căn.

Ngoài ra, thành phố còn có 21 dự án nhà ở thương mại xin chia nhỏ từ 10.242 căn lên 13.599 căn với tổng vốn đầu tư 16.693 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thành phố chỉ có 7 dự án đủ điều kiện chuyển đổi từ 3.444 căn lên 7.541 căn.

Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2014 thành phố đã giải quyết được 1.893 căn hộ tồn kho, giảm 7,34% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, có 782 căn trong số 1.893 căn (chiếm 41%) bán được sau khi chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ. Số căn hộ chưa bán được chủ yếu có diện tích trên 70 m2 hoặc dự án trùm mền, chậm tiến độ.

Mặc dù việc chia nhỏ căn hộ giúp chủ đầu tư chủ động hơn trong giao dịch với khách hàng nhưng chủ trương này đang được TP.HCM xem xét khá khắt khe.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc chẻ nhỏ căn hộ đối với các dự án có vị trí giao thông thuận lợi thì được, nhưng những dự án nằm trên hệ thống giao thông nhỏ thì khó. Ngoài ra, còn liên quan đến yếu tố xã hội, môi trường khác như trường học, bệnh viện, chỉ tiêu cây xanh…

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS không chỉ nhằm một mục tiêu là “giải cứu” doanh nghiệp mà cái chính là sự phát triển bền vững, lâu dài của thành phố.

“Để điều chỉnh bất kỳ một dự án nào phải đặt vấn đề hạ tầng, xã hội lên trên nên phải xem xét cân nhắc hết sức cẩn thận để tính bước đi, làm sao để không phá vỡ quy hoạch chung của thành phố”, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, đối với khu trung tâm hiện hữu 930 ha đã có quy hoạch 1/2000 nên không thay đổi nữa, việc điều chỉnh chỉ có thể xem xét các dự án nằm ngoài khu trung tâm này, tuy nhiên phải căn cứ trên yếu tố hạ tầng, xã hội.

“Thành phố không làm khó doanh nghiệp nhưng phải hết sức cẩn trọng, đồng bộ để hài hòa lợi ích cả doanh nghiệp, nhà nước và người dân”, ông Nguyễn Hữu Tín nêu quan điểm.

DiaOcOnline.vn - Theo Bizlive