TP.HCM: Hơn 50 doanh nghiệp kiến nghị gỡ vướng cho 64 dự án nhà ở

Cập nhật 29/03/2022 14:22

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp gửi tới UBND thành phố đề nghị gỡ vướng cho 64 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.

Mô hình dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, dự kiến cung cấp khoảng 2.000 căn nhà ở xã hội tại TP.HCM - Ảnh: L.TH.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vừa có văn bản gửi tới UBND TP.HCM nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn của 57 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

Các vướng mắc tại 64 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM vừa được HoREA gửi tới UBND thành phố tập trung vào những lĩnh vực giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, miễn tiền sử dụng đất, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà, dự án chưa được phê duyệt tiền sử dụng đất…

Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng.

Trong đó, có nhiều dự án đã nằm chờ thủ tục nhiều năm như: dự án nhà ở xã hội Khu chế xuất Linh Trung 2, giai đoạn 2; dự án cao ốc văn phòng - thương mại - dịch vụ officetel và căn hộ tại số 38 Trương Quốc Dung, phường 8, quận Phú Nhuận; dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Tạo 2; dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, giai đoạn 1 và giai đoạn 2; dự án khu nhà ở Him Lam; dự án chung cư nhà ở xã hội An Phú Đông.

Về quá trình gỡ vướng cho 64 dự án phát triển nhà ở tại TP.HCM thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay thường trực UBND TP.HCM đã họp Tổ đầu tư hằng tuần cùng với lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức để xem xét, giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, một số dự án phát triển nhà ở đã được "gỡ vướng" như dự án khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7; dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy; dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ, phường Thảo Điền.

UBND TP.HCM cũng đã căn cứ điểm c khoản 1 điều 75 Luật đầu tư 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật nhà ở 2014 để "gỡ vướng" cho các nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác, được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nên trong năm 2021 thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cho 20 dự án nhà ở thương mại.

Nhưng theo ông Lê Hoàng Châu, hiện vẫn còn bất cập, vướng mắc liên quan tới điều 23 Luật nhà ở 2014 "bỏ sót", chưa công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở.

Hiện vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại trên địa bàn có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở vẫn chưa được công nhận chủ đầu tư, trong khi đây thường là các dự án nhà ở có quy mô diện tích lớn.

Bên cạnh đó, có một số dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý, hoặc phải kiểm tra, thanh tra, thậm chí thuộc diện bị điều tra, nên các dự án này đã phải dừng triển khai thực hiện hoặc phải dừng các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc phải dừng thủ tục cấp "sổ đỏ" cho chủ đầu tư, người mua nhà trong dự án.

DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ