TP.HCM: “giải huyệt” cho quy hoạch treo

Cập nhật 05/04/2010 09:40


Chừng nào dự án ga xe lửa Bình Triệu được triển khai thì cuộc sống của hàng ngàn người dân nơi đây mới bớt khổ. Ảnh: Lê Hồng Thái
Tại các khu vực đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện, chủ nhà có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nếu có nhu cầu xây dựng sẽ được cấp giấy phép xây dựng tạm với quy mô tối đa năm tầng. Đây là một trong những nội dung mới được đưa vào dự thảo quyết định về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng vừa được sở Xây dựng trình UBND TP.HCM.

Hàng ngàn người dân sống trong những vùng quy hoạch treo tại TP.HCM đang chờ đợi dự thảo này được thông qua để tạm tháo gỡ “dây thòng lọng” đã quấn trên cổ họ cả chục năm qua.

Ám ảnh quy hoạch treo

Năm 1996, Thủ tướng có quyết định thu hồi đất tại bốn xã Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long của huyện Bình Chánh để thực hiện xây dựng khu đô thị mới 2.600ha khu Nam TP.HCM. Tuy nhiên, đã 19 năm trôi qua dự án chưa được triển khai và cũng suốt 19 năm ấy, dân ở các xã này không thể sửa chữa, xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà… khiến bộ mặt đô thị tại đây xuống cấp, nhếch nhác. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở xã Bình Hưng có hàng trăm trường hợp người dân cơi nền, nâng tường để khỏi bị ngập lụt cũng bị phạt vì cho là xây mới.

Nhiều người dân vì không nuôi trồng gì được nên xin phép lấp ao để xây nhà trọ kiếm sống. Tuy nhiên, yêu cầu này của họ không được chính quyền đáp ứng. Khi họ làm lén lút thì bị phạt.

Mặc dù UBND huyện Bình Chánh đã nỗ lực tìm mọi biện pháp để có thể giải quyết quyền lợi của người dân nhưng “do nhiều yếu tố” nên không phải hộ dân nào cũng hưởng được những quyền lợi này.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật cho biết, quận linh động cho những hộ dân ở những nơi mới có quy hoạch được xin phép xây dựng tạm. Tuy nhiên, mười trường hợp xin phép tạm thì chỉ một được giải quyết bởi điều kiện để được xây dựng tạm là phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Trong khi đó, hầu hết nhà ở tại đây được xây tự phát, mua bán qua nhiều người, không có giấy tờ nên khó có cơ sở để cấp phép xây dựng…

Tương tự, hàng ngàn hộ dân sinh sống tại dự án 60ha quy hoạch ga đường sắt Bình Triệu tại quận Thủ Đức cũng không thể định đoạt gì cho cuộc sống của mình. Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, có khoảng 40% trong số 1.018 căn nhà xây dựng không phép ở phường là nằm trong phạm vi dự án khu đầu mối giao thông – dân cư Bình Triệu có diện tích hơn 200ha; trong đó có dự án ga đường sắt Bình Triệu rộng 60ha. Dù đã được thành phố cho hợp thức hoá chủ quyền nhà và đất nhưng những hộ dân này vẫn vướng vào “vòng kim cô” là không được cấp phép sửa chữa, xây dựng dù dự án này đã treo cả chục năm. “Chúng tôi mong muốn thành phố có những điều chỉnh hợp lý để cởi trói cho người dân”, một cán bộ phường nói.

Xoá cái này chồng lên cái khác?


Xây dựng sai phép, không phép trước 1.5.2009 được xem xét

Dự thảo cũng nêu rõ nhà ở hoặc công trình xây dựng riêng lẻ không phép, sai phép trước ngày 1.5.2009 đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm xây dựng nhưng chưa thực hiện dứt điểm thì nay được xem xét cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ (hoặc một phần) diện tích phù hợp quy hoạch, phần diện tích không phù hợp quy hoạch sẽ được xử lý theo quy định tại điều 15 của thông tư 24.

Riêng các trường hợp xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1.5.2009, cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét cấp giấy chứng nhận đối với phần diện tích đúng giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư đã tự phá dỡ phần công trình vi phạm và thực hiện việc xử lý theo quy định.
Trong dự thảo, sở Xây dựng kiến nghị, đối với công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện mà có các loại giấy tờ về nhà đất hợp pháp thì được xem xét cấp phép xây dựng tạm với quy mô tối đa năm tầng. Các khu vực được xác định trong quy hoạch chung là nhà ga, bến xe, đường dự phóng, hệ thống cấp thoát điện, nước, trường học, bệnh viện công viên… mà chưa có quyết định thu hồi cũng được xem xét cấp phép xây dựng tạm năm tầng có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch nhưng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất hoặc kế hoạch sử dụng đất.

Các trường hợp xin cấp phép xây dựng tạm, ngoài thành phần hồ sơ theo quy định như đơn xin cấp phép xây dựng, giấy chủ quyền và bản vẽ thiết kế, chủ công trình xây dựng còn phải có thêm giấy cam kết tự phá dỡ công trình khi thực hiện quy hoạch. Trường hợp chủ đầu tư là cá nhân thì giấy cam kết phải được chứng thực chữ ký. Nếu những đề xuất này của sở Xây dựng được UBND TP.HCM thông qua thì những hộ dân sống tại huyện Bình Chánh và Thủ Đức nêu trên sẽ tạm thời được cởi trói.

Tuy nhiên, một cán bộ quản lý đô thị cảnh báo: không phải xoá quy hoạch “treo” là huỷ bỏ hết thảy. Việc xoá quy hoạch “treo” phải được hiểu là chính quyền sẽ điều chỉnh cho khả thi hoặc triển khai thực hiện. Khi thành phố công bố xoá treo cho vùng quy hoạch cũ chậm triển khai, thì UBND cấp quận sẽ quy hoạch 1/2.000. Khi công bố quy hoạch mới, những quy hoạch cũ sẽ hết hiệu lực và người dân sẽ còn phải chờ quy hoạch mới là gì.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị