Hiện nay các chủ đầu tư tại TP.HCM đang lo lắng vì khách hàng đồng loạt tháo chạy khỏi các dự án nhà ở. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, người làm công ăn lương, người lao động lại dấy lên hy vọng sẽ sở hữu được nhà với một mức giá hợp lý.
A lê hấp... chạy
Trước Tết, chị Ngọc Thi ngụ ở quận 2 vui mừng khi trúng thăm quyền mua căn hộ dự án Richland Hill (quận 9). Nay thì ngược lại, dù chủ đầu tư mời đến ký hợp đồng nhưng chị không buồn quan tâm. Chị Thi cho biết lúc đó giá nhà, đất tăng vùn vụt nên háo hức tranh mua vì nghĩ sẽ vay được tiền ngân hàng góp vốn theo tiến độ của dự án. Hoặc giả dụ cạn tiền, bán lại cũng có lời. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, các ngân hàng không cho vay. Đã vậy, hai nền đất tại khu Thái Sơn (Nhà Bè) của chị giá hạ phân nửa mà bán không được nên dù rất thích căn hộ Richland Hill chị cũng đành bỏ ngang. Chị Thi chuyển quyền mua này cho một người quen thì cũng bị từ chối mặc dù trước đó người này năn nỉ chị nhượng lại.
Đau hơn là những người lỡ ôm quyền bốc thăm chọn mua căn hộ cao cấp. Anh Lê Triết, một thầy giáo nhà ở quận 10 từng thức trắng đêm tranh suất mua căn hộ The Vista (quận 2) nhưng không được. Sau đó, hai vợ chồng gom góp tiền dạy học 10 năm để mua lại quyền này với giá 8.000 USD. Họ dự định sau đó sẽ bán lại kiếm lời ngay. Tuy nhiên, bài toán kinh doanh trên không thành vì dự án đó vướng phần móng. Hiện nay, The Vista đã xây xong phần móng và thông báo khách hàng chuẩn bị đóng tiền theo tiến độ lại khiến gia đình anh “đau tim”. Ba tháng nay anh đăng báo nhượng lại quyền mua căn hộ cao cấp này với giá hạ từ từ, thậm chí giờ chỉ cần chênh lệch 2.000 USD nhưng không thấy có ai điện thoại đến hỏi mua.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Ngọc Dương cho rằng xu hướng tháo chạy ra khỏi các dự án của khách hàng là đương nhiên. Vì lúc nhà, đất nóng sốt, những nhà đầu cơ này chỉ hy vọng sẽ bán lại kiếm lời nhanh mà không lường trước thị trường này có yếu tố bất động và thanh khoản kém. Vì thế, khi ngân hàng không cho vay, sức ép lãi suất phải trả và thời hạn đóng tiền theo tiến độ thúc ép nên họ hoảng hốt.
Chủ đầu tư chết đứng
Dự án Sky Garden của Phú Mỹ Hưng vẫn thưa thớt người mua, bán hàng trở lại. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, giám đốc kế hoạch công ty này cho biết trong đợt một bán lại vừa qua, chỉ có 100 khách hàng trong tổng số 300 khách hàng đến ký lại hợp đồng. Hay dự án Sunrise - một dự án nóng nhất tại quận 7, giá có lúc lên đỉnh 80 triệu đồng/m2, giờ còn 40 triệu đồng/m2. Thông tin từ khách hàng cho biết gần đến thời hạn đóng tiền theo tiến độ xây dựng, chủ đầu tư thông báo người mua chỉ phải đóng 10% số tiền góp cho đợt một thay vì phải đóng 30% như hợp đồng ban đầu.
Giá vật liệu tăng cũng làm chủ đầu tư rối bời. Ông Nguyễn Trần Nguyên Khang, Giám đốc kinh doanh Công ty Vạn Phát Hưng, cho biết các dự án nhà ở đang gặp khó khăn. Với tình hình bất động sản giá giảm liên tục thì phải đến hết năm 2009 công ty mới dám ra dự án mới. Vì lúc này có ra dự án cũng bán không được và quan trọng hơn là không biết đưa ra giá bán thế nào cho hợp lý.
Còn ông Lê Hùng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai, nói thẳng: Chỉ có các doanh nghiệp lớn vì giữ uy tín nên mới tiếp tục bán hàng, thu tiền khách hàng theo giá mua căn hộ cũ. Chứ với giá vật liệu xây dựng và nhân công tăng gấp ba lần như hiện nay thì ai cũng lỗ. Hoàng Anh Gia Lai phải đi nhập sắt, xi-măng từ nước ngoài về để chủ động nguồn cung chứ trông vào nguồn cung vật liệu trong nước thì không thể triển khai dự án đúng tiến độ được. Ông cho biết như dự án Hoàng Anh Gia Lai - H3 (đường Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè), nếu tính theo giá thành như hiện nay phải 30 triệu đồng/m2 mới có lời. Tuy nhiên, với mức giá này thì khách hàng chạy hết.
Cũng theo ông Hùng, trong tình hình thị trường hiện nay, chỉ có chủ đầu tư vì bất khả kháng mới tiếp tục bán hàng, còn không thì án binh bất động là thượng sách.
Cảnh khách hàng chen nhau mua căn hộ hồi đầu
năm, giờ chỉ còn trong giấc mơ của các chủ đầu tư.