TP.HCM: Giá đất vẫn còn nghịch lý

Cập nhật 28/11/2007 14:00

Trước khi xây dựng bảng giá đất năm 2008, TPHCM đã đề xuất trung ương cho TPHCM cơ chế xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá thị trường để có thể áp trực tiếp vào công tác bồi thường, đồng thời hạ mức thu tiền sử dụng đất từ 100% xuống còn 20%. Thế nhưng, đề xuất này đã không được chấp thuận.

Nếu được HĐND thông qua, bảng giá đất năm 2008 dùng để làm căn cứ tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai thì sẽ quá cao. Đồng thời, lại quá thấp để áp giá bồi thường. Đây là nghịch lý lớn nhất của bảng giá đất năm 2008.

Không thể áp vào để bồi thường

Trong quá trình xây dựng bảng giá đất năm 2008, giá bồi thường được phê duyệt đã vượt nhiều lần so với bảng giá đất năm 2007. Chẳng hạn, khung giá tối đa cho đất ở đô thị ở TPHCM được quy định trong bảng giá đất năm 2007 là 43 triệu đồng/m2 (lấy đường Lê Thánh Tôn, quận 1 làm mốc). Thế nhưng, trên thực tế, UBND TP đã duyệt giá bồi thường cho đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - đoạn từ đường Nguyễn Du đến Lý Tự Trọng là 125 triệu đồng/m2; đất không nằm ở vị trí mặt tiền đường là 64,3 triệu đồng/m2...

Điều này đã khiến cho các cơ quan thực hiện gặp nhiều lấn cấn, vì việc áp dụng giá bồi thường cao kỷ lục này không có cơ sở pháp lý... Vì vậy, TP đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP được điều chỉnh bảng giá đất vượt khung quy định của Nghị định 188, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng bảng giá đất năm 2008 với mục tiêu là sát giá thị trường.

Thế nhưng, Nghị định 123 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 188 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất quy định khung giá đất ở đô thị cao nhất là 67,5 triệu đồng/m2. Cũng giống Nghị định 188, Nghị định 123 cho phép các tỉnh, thành được điều chỉnh bảng giá đất trong phạm vi cao nhất +20% của khung Chính phủ đưa ra và tối thiểu là thấp hơn -20%... Nếu căn cứ vào khung giá Chính phủ đưa ra, bảng giá đất tối đa của TP đối với đất ở đô thị không vượt quá 81 triệu đồng/m2.

Theo các chuyên gia, sở dĩ TP phải chọn một khung giá đất thấp là vì khung giá đất do Chính phủ ban hành đã không cao. Việc xây dựng một bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn chưa thể thực hiện được trong năm 2008. Các vấn đề tài chính liên quan đến đất trên địa bàn TP vẫn phải áp dụng cơ chế 2 giá.

Chưa thể minh bạch, rạch ròi

Bảng giá đất năm 2007 của TP được sử dụng cho 7 mục đích. Theo Sở Tài chính tại buổi làm việc với HĐND TP chiều ngày 26.11, bảng giá đất năm 2008 chỉ sử dụng cho 3 mục đích (căn cứ để tính), gồm: Thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ quyền sử dụng đất, lệ phí, trước bạ và tính giá trị quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất (giao đất cho các tổ chức hành chính...).
 
Riêng vấn đề áp giá bồi thường được người dân quan tâm nhất vẫn tiếp tục thực hiện như cách làm hiện nay là áp giá thị trường chứ không sử dụng bảng giá đất.

Theo các chuyên gia, với cách làm hiện nay, mỗi dự án đều phải thuê các Cty tư vấn nghiên cứu đề xuất giá bồi thường, sau đó trình qua hội đồng thẩm định quận, huyện hoặc TP. Cách làm này dẫn đến một sự không thống nhất về mặt bằng giá trong bồi thường ngay cả trong cùng một địa bàn... Điều này đồng nghĩa với việc vẫn chưa thể minh bạch, rạch ròi trong công tác áp giá bồi thường.

Tuy nhiên, bảng giá đất năm 2008 tăng gần gấp đôi so với bảng giá đất năm 2007, đồng nghĩa với việc các khoản nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai cũng sẽ tăng gần gấp đôi.

Trước đây, thành phố đề nghị, giảm mức thu tiền sử dụng đất tối đa chỉ còn 20%, thay cho mức thu 100% như hiện nay để làm giảm gánh nặng tài chính cho cá nhân, tổ chức sử dụng đất. Thế nhưng, đề nghị này đã không được Chính phủ chấp thuận.

Theo Lao Động