TPHCM có khoảng 476.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với người thân, và điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về xây dựng nhà ở trên toàn thành phố, theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội, thực trạng, dự báo và giải pháp” được tổ chức sáng 28-9.
Một dự án nhà ở xã hội được chuyển từ dự án nhà ở thương mại tại TPHCM. Ảnh: TL
|
Xây thêm 44.000 căn NOXH trong 5 năm tới
Trong số 476.158 hộ chưa có nhà ở, có khoảng 13.000 hộ dân bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố, không đủ điều kiện bồi thường hoặc tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở thương mại.
Khoảng 1,2 triệu người nhập cư, tương đương khoảng 300.000 hộ, có nhu cầu thuê nhà ở xã hội (NOXH). Ngoài ra, có khoảng 143.000 hộ thu nhập thấp có nhu cầu mua, thuê mua, thuê NOXH; 20.000 hộ là cán bộ, công chức viên chức chưa có nhà hoặc đang ở chung với người thân, cần cải thiện về nhà ở.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết của người dân, trong giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM sẽ triển khai 39 dự án NOXH với quy mô xây dựng hơn 44.000 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 30.000 căn hộ.
Hiện đã có 8 dự án khởi công, quy mô hơn 4.200 căn; 12 dự án được chấp thuận đầu tư, quy mô hơn 11.000 căn; và 19 dự án đã công nhận chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hiện trạng quỹ đất dành để phát triển NOXH tại TPHCM trong giai đoạn này gồm: 19 dự án do nhà nước quản lý, quy mô hơn 28.400 căn hộ; và 19 dự án do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng, quy mô hơn 15.200 căn hộ.
Ngoài ra, toàn thành phố có 70 dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10 héc ta trở lên, mỗi dự án sẽ dành 20% diện tích đất để xây dựng NOXH, dự kiến xây được 162.500 căn hộ.
Trong 10 năm qua, TPHCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư 51 dự án NOXH, với hơn 48.000 căn hộ. Trong đó có 12 dự án đã hoàn thành, với quy mô gần 4.000 căn.
Chủ đầu tư vẫn kêu khó
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân, cho rằng kết quả phát triển NOXH hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế do có nhiều rào cản đối với doanh nghiệp phát triển phân khúc này.
Ông Tuấn nhận định, hiện nay đang thiếu quỹ đất dành cho NOXH. Sự thiếu hụt quỹ đất có thể đến từ công tác quy hoạch, khi địa phương chưa chủ động định rõ quỹ đất dành riêng cho việc xây dựng NOXH. Trong khi đó, chủ đầu tư làm NOXH không được hưởng cơ chế riêng nào trong giai đoạn tạo lập quỹ đất. Với quy định 20% diện tích đất trong các dự án nhà ở phải dành cho NOXH, nhiều doanh nghiệp cũng gần như bỏ qua, chưa phát triển đất này trong các giai đoạn đầu của dự án.
Thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng nhà ở cũng vô cùng phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư. “Hoàng Quân có một dự án đăng ký đầu tư từ năm 2014, nhưng đến tuần trước mới được Sở Xây dựng trình UBND thành phố để công nhận chủ đầu tư”, ông Tuấn bức xúc.
Bên cạnh đó, lợi nhuận NOXH lại bị khống chế ở mức 10%, tiềm ẩn nhiều rủi ro do không được quyết định về giá bán, khiến cho các chủ đầu tư không muốn tham gia vào thị trường vốn kém hấp dẫn về thương mại này.
“NOXH thường được bán với giá 12-13 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, để không xuất hiện các khu ổ chuột trên cao, doanh nghiệp phải bỏ vốn nhiều, xây theo chuẩn nhà ở thương mại, bán như vậy làm sao có lời?” ông Tuấn nói và cho rằng đây là vấn đề đau đầu của nhiều chủ đầu tư.
Hiện đã có các chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng theo ông Tuấn, vẫn chưa đủ sức bật. Các gói ưu đãi về tín dụng vẫn là chủ yếu, có tính quyết định thì lại không được duy trì một cách thường xuyên và có định hướng rõ ràng, chủ đầu tư khó xây dựng được một kế hoạch phát triển dự án dài hơi, trong khi người mua nhà thì thấp thỏm.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc công ty Lê Thành, thì phản ánh công ty này có một dự án chuyển nhà ở thương mại sang NOXH với số lượng 1.000 căn hộ và bị quận thu tiền “tăng dân số” gần 13 triệu đồng/người. Dự án này vì vậy mà bị ách tắc 18 tháng nay chưa được chuyển đổi. Ông Nghĩa cho đây là khoản thu vô lý với doanh nghiệp làm NOXH và người thu nhập thấp.
Ông Nghĩa cũng cho rằng nhà nước chưa có chính sách thí điểm để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (khoảng từ 1,5-3 triệu đồng/tháng), trong khi nhu cầu thuê phòng trọ của người lao động, sinh viên rất cao.
HoREA kiến nghị dành 1.000 tỷ đồng cho NOXH
Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư bố trí khoảng từ 500 - 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách NOXH.
Hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách NOXH đang bị ách tắc do chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách do đang có những ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành. HoREA nhận thấy nguồn vốn phục vụ kế hoạch thực hiện chính sách NOXH giai đoạn 2016-2020 phụ thuộc vào khả năng chi ngân sách nhà nước hàng năm.
Hiệp hội cũng kiến nghị NHNN đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi NOXH là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06-06-2016 đến hết ngày 31-12-2016 tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tương tự như chính sách về lãi suất cho vay ưu đãi NOXH tại Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện thống nhất.
Về lâu dài, HoREA cho rằng, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội nên được áp dụng từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG