TP.HCM: Ế ẩm đất nền biệt thự

Cập nhật 11/08/2009 08:25

Đất nền biệt thự trong các dự án vẫn rộng mênh mông, không mấy khi mua bán được. Ảnh: Lan Ca

Sau một khoảng ngắn sôi động, thị trường nhà đất ở TP.HCM trở về với nhịp độ bình thường hơn. Riêng lĩnh vực đất biệt thự giao dịch chậm chạp vì có những đặc điểm riêng của sản phẩm này.

Bán khó

Thời gian này, các công ty địa ốc tại quận 2, quận 9 vắng vẻ người ra vào hơn thời điểm cách đây 1-2 tháng, khi thị trường nhà đất bất ngờ nóng lên trở lại. Các giao dịch nếu có vẫn thường nhắm vào căn hộ và đất nhà phố. Riêng đất nền biệt thự, gần như các nhà phân phối đều có nhận xét như nhau, là rất khó bán.

Hiện nay, giá đất nền biệt thự đang chững lại, song cũng không thu hút được người mua. Theo đó, giá đất nền biệt thự tại khu vực An Phú- An Khánh, quận 2 có giá từ 32 - 38 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí. Đất biệt thự tại dự án Thế kỷ 21 có giá khoảng 26 - 31 triệu/m2, tại khu vực Thạnh Mỹ Lợi, giá đất biệt thự khoảng 23 - 35 triệu/m2 …

Huỳnh Thế Quang, nhân viên kinh doanh Công ty Bất động sản Vạn Phát Hưng thốt lên: “Đất nền biệt thự chưa bao giờ khó bán đến thế!”.

Theo anh Quang, thời điểm này, khách hàng chủ yếu tham khảo và mua đất nền nhà nhỏ, có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Còn phân khúc nền biệt thự khách đến xem còn vắng huống chi người mua, giao dịch đất nền biệt thự chưa bao giờ “lạnh” đến thế.

Tại Công ty CP Địa ốc Phố Việt, đường số 1, An Phú, An Khánh, tình hình cũng tương tự, khách hàng chưa bao giờ vắng đến như vậy.

Đỗ Lệ Quyên, nhân viên kinh doanh Công ty CP Địa ốc Phố Việt than vãn việc buôn bán ế ẩm, người đến tìm hiểu mua nền đất biệt thự rất hiếm, giao dịch ế ẩm. Những nền biệt thự khách hàng ký gửi khá lâu nhưng rất khó bán, đành ngâm lại chờ cơ hội.

Tìm hiểu một lô đất nền biệt thự tại khu 1 Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, hẹn 1 tuần nữa mới quyết định mua hay không nhưng nhân viên Công ty TNHH một thành viên dịch vụ địa ốc Đại Trạch Thổ vẫn rất niềm nở.

Mua cũng khó

Anh Thế Quang cho biết đất biệt thự khó bán là vì nhiều lẽ, phần vì ảnh hưởng tình hình “đóng băng” chung của bất động sản cả nước. Phần vì đây vốn là loại đất khó giao dịch vì nhiều tiền, diện tích nhỏ thì giá cao, giá thấp thì diện tích rộng, kiểu gì thì cũng phải bỏ ra vài tỷ/nền.
 

Các trung tâm, chi nhánh giao dịch sản phẩm nền biệt thự ít có khách mua. Ảnh: Lan Ca


Tại Công ty Vạn Phát Hưng, chị Hà, một khách hàng nói người tới mua nền nhà biệt thự chủ yếu phải thật giàu, vì hiện nay một nền biệt thự bèo lắm cũng nằm giá vài tỷ. Mua đất xong còn phải xây dựng, tổng cộng hết cũng phải khoảng chục tỷ. Chị chỉ quan tâm tới đất nền nhà nhỏ, có giá trên dưới 1 tỷ, dễ mua, dễ bán.

Cụ thể, những nền biệt thự nhỏ khoảng 160 - 200m2 thì đa số có giá trên dưới 30 triệu/m2 như ở An Phú - An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi,… còn những nơi có giá thấp khoảng 11 - 18 triệu/m2 như Bình Trưng Tây, quận 9 thì diện tích lớn hơn nữa, có lô đến 400m2. Do đó, để mua được một nền biệt thự cũng phải tốn vài tỷ.

Mặt khác, có nhiều dự án, chủ đầu tư dự án yêu cầu xây dựng ngay trong thời gian ngắn, theo quy định cấu trúc tối thiểu làm khó những người có nhu cần nhưng không đủ tiền.

Khu An Phú - An Khánh để được sang tên sổ hồng thì phải cam kết xây dựng ngay trong vòng 6 tháng, nếu không xây dựng ngay chỉ được làm hợp đồng công chứng. Dự án Khang Gia quận 9 cũng bắt buộc xây dựng ngay.

Những dự án khu vực quận 9, tuy giá rẻ nhưng lại xa trung tâm thành phố và nhiều khu vực chưa có cơ sở hạ tầng nên cũng gây nhiều phân vân cho khách hàng.

Nếu cách đây khoảng 1 tháng có rất nhiều nhà đầu tư và đầu cơ tranh nhau gom đất thì nay dường như không có. Nhiều người tới công ty môi giới ký gửi một lúc nhiều lô đất biệt thự với hy vọng “bán được lô nào hay lô đó".

Kỳ vọng hồi phục


Đất nền biệt thự chiếm một diện tích khá lớn ở các dự án khu đô thị. Khi đất không mua bán, không xây dựng được, sẽ tạo ra tình trạng tương tự tích tụ, khiến quỹ đất ở hiếm dần trong khi một lượng lớn đất này lại không sử dụng.

Bên cạnh đó khi khu đô thị chưa xây dựng xong, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Điều này sẽ gây khó cho những căn nhà trong dự án đã xây dựng xong, có nhu cầu mua bán, chuyển dịch nhưng không có giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhà đất vẫn khá lạc quan vào tương lai của thị trường bất động sản.

Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản TP.HCM tin tưởng thời gian tới thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên vì theo bà thật ra hiện nay dòng vốn đầu tư vào bất động sản Việt Nam vẫn còn rất dồi dào. Khi tình hình suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính giảm đi thì các tập đoàn đa quốc gia sẽ đẩy mạnh nguồn vốn vào Việt Nam, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án.

Theo bà Loan, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng rất lớn, có thể nói là tiềm năng nhất khu vực Châu Á. Dân số Việt Nam hiện khoảng 87 triệu người, dự kiến sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2020 - 2025. Hơn nữa, số dân đô thị hóa tăng mạnh từ 27 - 28 triệu người hiện nay tăng lên khoảng 45 - 50 triệu người vào năm 2020 - 2025. Lúc đó nhu cầu về nhà ở còn tăng cao. Đây là lợi thế lớn để phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.

Nhiều sàn giao dịch bất động sản, trung tâm môi giới cũng tin tưởng thị trường bất động sản thời gian tới sẽ ấm dần hơn. Đỗ Lệ Quyên, Công ty Phố Việt nói, cầu Phú Mỹ hoàn thành thời gian tới thông từ quận 9 sang quận 7, rút ngắn đường về trung tâm quận 1, sẽ là cú kích lớn xốc lại thị trường.


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet