TP.HCM: Dừng toàn bộ dự án BT đang đàm phán, đấu giá "đất vàng"

Cập nhật 08/11/2017 08:45

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định ngừng toàn bộ các dự án BT đang đàm phán. Những “mảnh đất đẹp, đắc địa” phải đấu giá, không thực hiện theo hình thức BT.


Toàn cảnh buổi làm việc.

Ngày 7/11 UBND TP.HCM đã tổ chức buổi hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất hình thức đầu tư xây dựng – chuyển giao (BT).

Cuộc làm việc này diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong ký quyết định ngưng toàn bộ các dự án BT đang đàm phán.

Ngay từ trước khi cuộc họp diễn ra, lãnh đạo TP đã xác định đây là dịp để tìm ra cách thức vận hành, một “khung pháp lý” mới cho việc thực hiện các dự án BT – phương thức hợp tác hứng nhiều chỉ trích trong thời gian gần đây, vì những biểu hiện cho thấy lợi ích nhà nước bị thất thoát.

Cần hạn chế tối đa đổi đất lấy hạ tầng

Trong bài phát biểu khá thẳng thắn ngay phần đầu buổi thảo luận, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình MPP – Đại học Fulbright Việt Nam nhận định: Khai thác giá trị từ đất vẫn sẽ là phương thức quan trọng nhất đối với TP khi phát triển hạ tầng, “ít nhất là trong hai thập niên tới”.

“Hiện chúng ta chỉ có khoảng 4.000 km đường và chưa có km tàu điện ngầm nào. Nếu lấy Seoul (Hàn Quốc) làm mục tiêu của TP vào năm 2045 thì ta phải xây thêm 4.000 km đường và hơn 300 km tàu điện ngầm.

Lấy con số trên so sánh với mức hiện tại chỉ có khoảng 25.000 tỷ đồng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ thấy nhu cầu vốn đầu tư là như thế nào” – ông Du cho hay.

Chính vì vậy ông khẳng định trong bối cảnh ngân sách eo hẹp của TP thì hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) ngày càng quan trọng.

“Trong các phương thức thì xây dựng - chuyển giao (BT) là có tiềm năng nhất, đương nhiên kèm theo đó là rủi ro” – ông nói.

Đề cập đến thuận lợi của TP khi thực hiện dự án này, ông Huỳnh Thế Du cho rằng các dự án đều có tính khả thi cao do “nhu cầu của người dân lớn và có tác động lan tỏa”, cả bên cung và bên cầu đều có tiềm năng nhất định.

Tuy vậy ông cũng nêu ra không ít khó khăn.

“Mô hình BOT có thời gian hoàn phí rất dài, mức phí trong thời gian này có thể gây bức xúc cho người dân. Trong khi mô hình BT hoàn toàn dựa vào đổi đất lấy hạ tầng, mà thực chất là hàng đổi hàng”.

Lấy dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng làm ví dụ, Tiến sĩ Du cho rằng dù được đánh giá là thành công nhất Việt Nam và mang lại cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ USD - chưa kể những lợi ích khác, nhưng thực tế chỉ thành công trong khu vực 400ha so với tổng thể 2.000ha.

“Đó là một thành công rất hạn chế” – ông Du nhận định.


Một góc mới hình thành của khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Tiếp tục là bán đảo Thủ Thiêm, ông Du chỉ ra rằng từ khi ý tưởng hình thành đến nay nơi này chưa có một công trình trọng điểm, hay vì mục tiêu phát triển dự án.

Trong khi đó “cùng thời gian này Phố Đông (Trung Quốc) đã phát triển thành một nền kinh tế tương đương Singapore, còn Đà Nẵng đã chỉnh trang đô thị trên một diện tích gấp 10 lần Thủ Thiêm”.

Về giải pháp cho vấn đề này, Tiến sĩ Du đề xuất thời gian tới cần hạn chế tối đa việc đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức “hàng đổi hàng”, mà cần thực hiện đổi tiền mặt lấy hạ tầng, trong đó tiền sẽ huy động từ bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Phải đấu giá “đất vàng”, không BT gì hết!

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Thị Bích Nguyệt – Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế cho rằng hiện hai hình thức BOT và BT tại TP “chưa thật sự hiệu quả như mong đợi”.

Theo bà, các dự án BOT đang gặp khó khăn do nguồn thu không đủ hoàn vốn, năng lực chủ đầu tư kém, trong khi hình thức BT gặp khó do thiếu quỹ đất sạch.

Bà đưa ra 6 giải pháp cho vấn đề này, trong đó có đề nghị TP lập nguồn vốn khởi tạo từ ngân sách nhằm giảm áp lực cho tư nhân, đồng thời tăng tính hấp dẫn của dự án PPP.

“Đề xuất này hướng tới hai mục tiêu, tạo yếu tố an tâm cho các nhà đầu tư tư nhân và gắn trách nhiệm của chính quyền TP, ban quản lý dự án với tính khả thi và hiệu quả của dự án” – Tiến sĩ Nguyệt cho hay.

Chia sẻ quan điểm về phương thức đầu tư BT, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thừa nhận rằng hiện nay TP có những “mảnh đất đẹp, đắc địa” được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, và nếu “quản lý không khéo sẽ rơi vào tiêu cực”.

“Do vậy TP chủ trương là những mảnh đất đẹp phải đấu giá chứ không thể dùng cho BT được. Thực tế có những mảnh đất rất đẹp ở vùng lõi trung tâm Thủ Thiêm mà TP đã bỏ tiền giải phóng, rất nhiều các nhà đầu tư muốn BT cái này nhưng quan điểm của tôi đề nghị là phải đấu giá, không có BT gì hết.

Có thể các nhà đầu tư theo đuổi việc này rất buồn, nhưng phải rõ ràng” – ông Phong nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet