TP.HCM: dự án metro và cải thiện môi trường nước đói vốn

Cập nhật 27/04/2017 10:11

Do trung ương phân bổ vốn không đáp ứng yêu cầu nên hai dự án vay vốn ODA là tuyến metro số 1 và dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 đang gặp khó khăn, có nguy cơ đình trệ.


Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang rơi vào cảnh thiếu vốn thi công. Trong ảnh: metro đoạn qua quận Bình Thạnh - Ảnh: T.T.D.

Việc thiếu vốn diễn ra từ quý 3-2016, buộc TP.HCM phải tạm ứng từ ngân sách TP để chuyển cho các nhà thầu nhưng nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công của hai dự án cấp bách này.

Chỉ cấp 50% vốn 
so với nhu cầu

Ban quản lý đường sắt đô thị TP vừa báo cáo UBND TP về công tác giải ngân và phân bổ ngân sách cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành, Q.1 - Suối Tiên, Q.9). Theo đó, tổng vốn ODA của dự án là hơn 41.800 tỉ đồng. Tổng số vốn ký kết (theo 3 hiệp định vay) là trên 31.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 9-2016 đến nay, việc giải ngân vốn ODA cho các nhà thầu không được thực hiện do trung ương không giao bổ sung kế hoạch vốn ODA năm 2016 và chưa giao kế hoạch vốn năm 2017. Tính đến tháng 4-2017, tỉ lệ giải ngân so với tổng vốn ký kết mới đạt 34%.

Đối với những khó khăn về kế hoạch vốn ODA năm 2017 và giai đoạn 2016-2020, UBND TP.HCM nhiều lần có văn bản giải trình, báo cáo Bộ KH-ĐT cũng như Thủ tướng nhưng đến nay vốn ODA năm 2017 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn chưa được bố trí.

Theo đề xuất của Bộ KH-ĐT tại tờ trình của bộ này gửi Thủ tướng vào tháng 3-2017, dự kiến phân bổ kế hoạch vốn ODA năm 2017 cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 là 2.119 tỉ đồng. Trong khi nhu cầu giải ngân cần tới 5.422 tỉ đồng. Như vậy, số vốn ODA dự kiến bố trí năm 2017 chỉ mới đáp ứng gần 50%.

Tương tự, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết Bộ KH-ĐT dự kiến bố trí vốn ODA năm 2017 cho dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 là 1.200 tỉ đồng, trong khi nhu cầu vốn cần 1.600 tỉ đồng, thiếu 400 tỉ đồng.

Bộ KH-ĐT cũng dự kiến bố trí vốn cho giai đoạn 2016-2020 của dự án là 4.131 tỉ, nhưng nhu cầu cần tới 8.500 tỉ đồng, chưa đáp ứng được 50% vốn đầu tư dự án.

Trước tình hình này, ông Lương Minh Phúc - trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP - cho biết có văn bản kiến nghị UBND TP làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đồng thời báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo giải quyết việc cấp vốn đầy đủ trong năm 2017 và vốn cho 
giai đoạn 2016-2020.

Nỗi lo chậm tiến độ

Từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, vốn phân bổ cho dự án tuyến metro số 1 và dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2 đã bị chậm. Một số nhà thầu buộc phải kéo dãn tiến độ thi công vì chủ đầu tư nợ đọng chưa trả tiền cho các hạng mục thi công xong.

Đầu tháng 1-2017, các chủ đầu tư dự án đều có văn bản gửi UBND TP về tình hình thực hiện các dự án. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phải chỉ đạo Sở Tài chính tạm ứng từ ngân sách TP số tiền 600 tỉ đồng cho Ban quản lý đường sắt đô thị và 300 tỉ đồng cho Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị.

Chủ tịch UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho giám đốc Sở KH-ĐT TP chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan thuộc Bộ KH-ĐT để bổ sung kế hoạch vốn ODA cho các dự án của TP theo đúng các hiệp định vay.

Theo ông Đào Xuân Ngọc - phó Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, tình hình thiếu vốn cho dự án sẽ gây ra nhiều hậu quả là tiến độ dự án chậm, các nhà thầu sẽ khiếu nại chủ đầu tư về lãi trả chậm hoặc dừng thi công theo điều kiện của hợp đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án.

Đó là chưa kể TP còn phải trả phí cam kết bằng nguồn vốn ngân sách do việc chậm giải ngân.

Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Gồm 3 gói xây lắp, 1 gói thầu mua sắm thiết bị, 1 gói thầu công nghệ thông tin.

Tính đến đầu tháng 1-2017, 3 gói thầu xây lắp: gói thầu xây lắp số 1a xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành (khởi công tháng 11-2016, đang khảo sát lập bản vẽ thi công, đang thi công các hạng mục phụ trợ); gói thầu số 1b xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son thi công đạt 41%; gói thầu số 2 xây dựng tuyến metro trên cao từ ga Ba Son đến Suối Tiên dài 17,1km, thi công đạt 65% khối lượng.

Riêng gói thầu số 3 mua sắm thiết bị điện cơ, đầu máy toa xe thực hiện khoảng 12% khối lượng; gói thầu số 4 xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng, công ty vận hành và bảo dưỡng, đang triển khai thiết kế kỹ thuật.

Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2

Nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2, 3 và kênh Hàng Bàng nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và giải quyết tình trạng ngập nước; xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải và nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) từ 141.000m3 nước/ngày lên 469.000m3 nước/ngày.

Đến nay đã triển khai hai gói thầu tư vấn và 5/6 gói thầu xây lắp. Trong đó, hai gói thầu xây lắp khởi công vào tháng 7-2016 gồm gói thầu J mở rộng nhà máy xử lý nước thải đã thi công đạt 31%, gói thầu K cải tạo hệ thống thoát nước kênh Hàng Bàng đạt 30,2% khối lượng.

Riêng 3 gói thầu còn lại đã khởi công trong năm 2016 đạt từ 4,1 - 14,5% khối lượng.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ