TPHCM - Đột phá hạ tầng giao thông

Cập nhật 06/05/2013 13:46

Trong bối cảnh đầu tư công thắt chặt, vốn ngân sách hạn hẹp, nhưng TPHCM đã tạo ra sự khác biệt thể hiện qua việc xây dựng cơ chế đột phá trong thu hút vốn, giải phóng mặt bằng, mở rộng các hình thức đầu tư để tìm kiếm nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị xứng đáng là trung tâm kinh tế năng động của cả nước.

"Đại phẫu" hạ tầng

TPHCM được coi là siêu đô thị có số dân xấp xỉ 10 triệu người, tỷ lệ dân nhập cư lớn; có khoảng 5 triệu xe gắn máy và 500.000 ô tô và hiện nay trung bình mỗi ngày TP có khoảng 1.000 xe gắn máy, 100 ô tô đăng ký mới. Điều này đang gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng giao thông nội đô.

Đó là tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra, bất kể thời gian cao điểm hay thấp điểm. Chỉ cần một trận mưa, thủy triều, mọi cung đường từ trung tâm cho đến vùng ven đều bì bõm trong biển nước. Vấn nạn kẹt xe không những gây nên sự lãng phí lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe của người dân vì khói bụi, tiếng ồn.

Để giải quyết căn cơ vấn nạn trên và đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, ngành giao thông TP quyết tâm "đại phẫu" hàng trăm công trình, cải tạo, nâng cấp và xây mới (cầu, đường), chống ngập, chỉnh trang đô thị.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp dồi dào, vì vậy thời gian tới TP có nhiều lợi thế huy động các nguồn lực kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. TPHCM mà không xã hội hóa được, các địa phương khác không thể làm được.

Ông Đinh La Thăng,
Bộ trưởng Bộ GT-VT

Thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, nhiều công trình giao thông cấp bách như cầu Rạch Chiếc, cầu Phú Long, nút giao thông Gò Dưa, đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường liên tỉnh lộ 25B (giai đoạn 2), cầu Băng Ky, cầu Đỏ, trục chính đường Bến Vân Đồn, đường Nguyễn Thị Thập… nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng.

Đầu năm 2013, đơn vị thi công 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức và nút giao thông Hàng Xanh hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng, đã giúp giải quyết 2 điểm nóng ùn tắc trên xa lộ Hà Nội.

Để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách, giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, bên cạnh cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ xe buýt, các đề án phát triển BRT (xe buýt nhanh), xe điện ngầm (metro)… đang được TP xây dựng và kêu gọi đầu tư.

Tháng 8-2012, tuyến metro số 1 dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương) được khởi công với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD. Công trình sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2018.

Việc triển khai dự án tuyến metro số 1 ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, còn được kỳ vọng sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến như quận 2, 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến metro này có thể được kéo dài đến TP Biên Hòa (Đồng Nai) và đấu nối với tuyến đường sắt liên vùng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Linh hoạt tìm vốn

Các dự án kết cấu hạ tầng giao thông phụ thuộc vào 3 nguồn vốn chính là vốn ngân sách, vốn ODA và nguồn vốn xã hội hóa. Về vốn ngân sách, khó khăn hiện nay của TPHCM là dù hàng năm TP đóng góp 20% vào GDP và 30% vào tổng thu ngân sách, nhưng chi ngân sách cho đầu tư phát triển của TP chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi ngân sách cả nước, đặc biệt là đầu tư cho giao thông. Chẳng hạn, năm 2012 vốn ngân sách dành cho Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng do có nhiều công trình cấp bách, trọng điểm phải làm nên nhu cầu vốn cao hơn rất nhiều.

Năm 2013, nhu cầu vốn lên đến 11.736 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản 9.561 tỷ đồng; vốn sự nghiệp duy tu, kiến thiết, kinh phí trợ giá xe buýt, chi hành chính sự nghiệp 3.625 tỷ đồng và vốn ODA 1.550 tỷ đồng.

Cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Hàng Xanh giúp giải quyết điểm nóng ùn tắc tại Xa lộ Hà Nội. Ảnh: CAO THĂNG

Đối với vốn ODA, đây là nguồn vốn quan trọng để đầu tư các dự án lớn, mang tính chiến lược. Đơn cử, đại lộ Đông Tây có tổng mức đầu tư 9.863 tỷ đồng, trong đó 6.393 tỷ đồng (chiếm 64,82%) là vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản, vốn đối ứng từ ngân sách TP 3.470 tỷ đồng.

Tuyến metro số 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng, phần lớn là vốn ODA của Nhật Bản. Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 317 triệu USD chủ yếu vay từ Ngân hàng Thế giới và một phần vốn đối ứng của TPHCM. Dự án nạo vét luồng Soài Rạp có tổng mức đầu tư 2.797 tỷ đồng, trong đó vốn tài trợ từ Vương quốc Bỉ 76 triệu EUR, vốn đối ứng từ ngân sách TP 624 tỷ đồng…

Về nguồn vốn xã hội hóa, TPHCM là địa phương đi đầu trong việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT. Đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND TP và các sở, ban, ngành luôn kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, hoàn vốn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi bỏ ra số vốn lớn.

Thí dụ, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đang thi công các dự án cầu đường Bình Triệu, cầu Rạch Chiếc, BOT xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2; CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ với công trình cầu Phú Mỹ…

Ngoài các dự án đang triển khai, lãnh đạo CII còn cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư ít nhất 23.000 tỷ đồng vào 6 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, sản xuất nước sạch và xử lý nước thải nếu liên kết được với các đối tác nước ngoài.

DiaOCOnline.vn - Theo Đầu Tư Tài Chính