TPHCM di dời 20.000 căn nhà ven kênh rạch: Cái giá phải trả

Cập nhật 15/10/2017 08:17

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, trong số 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch phần lớn do người dân lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên thành phố sẽ hỗ trợ di dời, dù số tiền sẽ rất lớn; đây chính là cái giá phải trả cho công tác quản lý yếu kém, lỏng lẻo.

Dòng kênh ô nhiễm nặng. Ảnh: Minh-Bình-Du.

Trả giá việc quản lý lỏng lẻo

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, hiện nay, trừ đi nguồn vốn chỉnh trang, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng từ nay đến năm 2020 TPHCM cần đến 500.000 tỷ, trong đó ngân sách chỉ lo được 31,8%, số còn lại phải huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư. Đối với chương trình chỉnh trang đô thị, việc giải toả 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch, chỉ tính riêng hai quận 4 và 8 đã “ngốn” gần 15.000 tỷ đồng cho 5.800 căn nhà. Vừa qua, TPHCM đã làm việc với một số nhà đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư (PPP). Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát nhưng còn ngập ngừng. “Dù là PPP song TPHCM cũng cần có vốn đối ứng từ ngân sách”, ông Phong cho hay.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc để tồn đọng 20.000 căn nhà lấn chiếm ven kênh là do công tác quản lý nhà nước yếu kém. “Ngân sách hỗ trợ di dời rất lớn. Đây là cái giá phải trả cho việc quản lý lỏng lẻo. Mặc dù trong 20.000 căn nhà nói trên, phần lớn là do người dân lấn chiếm trái phép nhưng không vì thế mà không hỗ trợ”, ông Phong nhấn mạnh.

Làm việc với UBND TPHCM mới đây, ông Lê Trần Kiên, Trưởng Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết theo đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM, phương thức thực hiện được chia làm 3 nhóm.

Cụ thể: Nhóm dự án chỉnh trang đô thị bằng nguồn vốn ngân sách với gần 6.700 căn nhà có tổng vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng), nhóm dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP) gần 8.100 căn với vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 12.000 tỷ đồng; và dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị là 331 căn.

Riêng dự án chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh Đôi, TPHCM đã giao cho một nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch 1/2000 và báo cáo đề xuất dự án.

Theo ông Kiên, nguồn ngân sách đầu tư cho chương trình trên rất hạn chế. Dự kiến, vốn ngân sách phân bổ cho chương trình là 2.100 tỷ đồng, trong khi nhu cầu là khoảng 10.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị cần vốn đầu tư lớn, thời gian kéo dài nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Các dự án chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch là dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân; xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư.

“Chi phí trung bình là 1,5 tỷ đồng/căn. Riêng dự án bờ Nam kênh Đôi là 2,6 tỷ đồng/căn nên không có nhiều nhà đầu tư đáp ứng năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, quỹ nhà tái định cư của thành phố cũng không đủ đáp ứng quy mô di dời và tái định cư 20.000 hộ dân”, ông Kiên cho hay.

Đề xuất chỉ định thầu

Mới đây, UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM, với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch giai đoạn 2016-2020. UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho áp dụng lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chỉnh trang đô thị trong trường hợp đặc biệt. Nếu không được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai thực hiện đồng bộ các tuyến kênh, rạch, TPHCM sẽ khó di dời được 20.000 căn trong giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án mất rất nhiều thời gian, tối thiểu là 647 ngày (đối với trường hợp đấu thầu) và tối thiểu 572 ngày (đối với trường hợp chỉ định thầu), trong khi nhiệm vụ chỉnh trang đô thị đang rất cấp bách. Như vậy, khi áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.

Theo đề án vừa trình Thủ tướng, kế hoạch di dời dự kiến được tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu (2016-2020), tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven sông, rạch. Giai đoạn 2 (2020-2025) hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân.

Nếu suôn sẻ, trong 5 năm tới, TPHCM sẽ giải quyết dứt điểm những tuyến kênh rạch đang thực hiện công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng, gồm các tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 và 4...

Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện cho toàn tuyến Kênh Đôi - Kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7 và 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TPHCM.

Những tuyến kênh, rạch ô nhiễm nặng hoặc có vai trò quan trọng trong giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước như rạch Hàng Bàng giai đoạn 2 và 3, rạch Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu... cũng sẽ được thực hiện với quy mô giải tỏa và di dời khoảng 13.350 căn nhà.

Quan tâm đời sống người dân sau di dời

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, hiện nay, nhà trên và ven kênh rạch nhếch nhác, làm xấu bộ mặt đô thị, giảm chất lượng sống của người dân, vệ sinh môi trường bị ảnh hưởng và là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập nước dai dẳng tại TPHCM. Thực hiện được chương trình chỉnh trang đô thị là giải quyết căn cơ đời sống người dân lao động ở khu vực này, giải quyết về môi trường, chống ngập…

Ông Tuyến nhấn mạnh: Chương trình chỉnh trang đô thị với việc giải toả, di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch là chương trình trọng điểm của TPHCM nhằm chăm lo đời sống người dân sống ven kênh, rạch.

Các đơn vị khi thực hiện các giải pháp phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch chứ không chỉ hướng đến mục tiêu giải toả nhà dân, khai thác tối đa tính hiệu quả của quỹ đất.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa, TPHCM đang triển khai 100 dự án BT, cần cân đối quỹ đất có giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, trong khi TPHCM không còn nhiều quỹ đất công giá trị lớn để kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án chỉnh trang đô thị. Đây là một bài toán khó đặt ra cho chương trình chỉnh trang đô thị.
 

Đã có 6 nhà đầu tư tham gia

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đến nay đã có 6 nhà đầu tư đăng ký tham gia dự án chỉnh trang đô thị. UBND TPHCM hoan nghênh các nhà đầu tư bởi đây là những dự án có mục tiêu chủ yếu là phúc lợi, cộng đồng. Nếu thực hiện được dự án chỉnh trang đô thị, TPHCM sẽ giải quyết được nhiều bài toán khó khăn tồn tại suốt nhiều năm qua như tổ chức cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch tốt hơn, góp phần giải quyết bài toán chống ngập, ùn tắc giao thông, vệ sinh môi trường, phát triển du lịch...   



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong