TP.HCM: Để dân đỡ phiền vì “lô cốt”

Cập nhật 02/03/2009 10:25

Kinh doanh èo uột vì vướng “lô cốt” cần được giảm thuế.

Dự án đại lộ Đông Tây là một công trình lớn và cần thiết cho thành phố (TP) nhưng các “lô cốt” kéo dài quá lâu trên các trục đường đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con khu vực này, nhất là các hộ kinh doanh. Tôi đề nghị các đơn vị liên quan đến dự án làm nhanh, lẹ và nhà nước xem xét giảm thuế cho các hộ dân kinh doanh bị ảnh hưởng trong thời gian thi công”. Cử tri Trần Văn Hớn ở phường 1, quận 5 (TP.HCM) kiến nghị như trên trong chương trình Nói và làm do HĐND TP phối hợp với đài truyền hình TP tổ chức sáng qua (1-3), tại UBND quận 5.

Nhiều công trình ngầm “bỗng dưng” xuất hiện

Điều khiến các cử tri bức xúc nhất hiện nay là nhiều rào chắn được khoanh rồi để đó. Giải thích về việc này, ông Sarashina, Giám đốc dự án thi công gói thầu D dự án cải thiện môi trường nước TP, cho hay quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đó là việc di dời các công trình tiện ích ngầm dưới lòng đất như ống cấp, thoát nước, cáp điện,... “Ở Nhật, xử lý việc này rất đơn giản. Các công trình ngầm sẽ được cung cấp rõ ràng cho nhà thầu trước khi thi công. Tuy nhiên, do đặc điểm ở đây không cập nhật kịp thời thông tin về công trình ngầm nên trong quá trình thi công hay gặp phải các công trình ngầm xuất hiện ngoài tính toán. Những tình huống như vậy không ai muốn nhưng buộc lòng nhà thầu phải dừng lại” - ông nói.

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, thắc mắc: “Chẳng lẽ trước khi thi công, các nhà thầu không đi khảo sát để nắm sơ đồ các công trình ngầm?”. Trả lời, kỹ sư Lương Minh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, cho hay tất cả công trình trước khi thi công đều có khảo sát các công trình ngầm. Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin mà ban quản lý dự án nhận được không đầy đủ và thiếu chính xác, thông tin khảo sát với thực tế thi công không khớp nhau và việc này rất thường xuyên xảy ra. “Để giải quyết căn cơ, chúng tôi cùng với các đơn vị liên quan đang xây dựng đề án quản lý hệ thống công trình ngầm trong TP” - ông Phúc nói.

Sơ đồ một ly, thực tế một dặm!

Ông Hùng vẫn thắc mắc: “Ai chịu trách nhiệm trong việc quản lý công trình ngầm?”. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), trả lời: “Việc quản lý công trình ngầm của TP hiện nay rất phức tạp. Lịch sử của TP trải qua nhiều giai đoạn nhưng 10 năm gần đây TP mới chú ý đến việc quản lý công trình ngầm, thực hiện bản đồ công trình ngầm. Các dự án thực hiện gần đây đều được cập nhật hóa ở dưới lòng đường. Nhưng thời gian trước đó, việc cập nhật không đầy đủ và chặt chẽ. Đặc biệt, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các công trình ngầm trước giải phóng bị thất lạc, còn rất ít. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng khảo sát một đằng nhưng thực tế lại một nẻo, nhiều lúc ở ngoài hiện trường khác với hồ sơ thiết kế”.

Đại biểu Lê Văn Trung cho rằng việc không nắm bắt được bản đồ công trình ngầm không chỉ là vướng mắc của riêng các công trình trên địa bàn quận 5 mà là vướng chung của tất cả công trình khác. Vì vậy, Sở GTVT cần tham mưu cho TP có quy hoạch công trình ngầm ngay từ bây giờ. Chủ tịch HĐND TP, bà Phạm Phương Thảo, cũng đồng tình cần sớm rà soát lại hệ thống công trình ngầm để quy hoạch quản lý không gian ngầm tốt hơn. “Sắp tới, Quốc hội cũng sẽ xem xét dự án luật quy hoạch đô thị, trong đó sẽ có quy định về quản lý không gian ngầm” - bà Thảo cho biết.



Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đang trả lời thắc
mắc của cử tri quận 5 tại buổi nói chuyện. Ảnh: HTD.


Tiếp tục mong thông cảm

Bà Thảo cho biết tốc độ thi công các công trình năm 2009 gấp đôi năm 2008. Các dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đường Bắc Nam đến cảng Hiệp Phước, đại lộ Đông Tây cơ bản sẽ hoàn thành trong năm. Cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y, Chà Và sẽ xong trước 30-4 này. Cầu Phú Mỹ cũng dự kiến hoàn thành vào tháng 9.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng cũng cho hay, để đẩy nhanh tiến độ các công trình sẽ tăng diện tích đào đường từ 56 km lên 75,4 km. Các tuyến đường sẽ đào nhiều là Bùi Hữu Nghĩa, Hai Bà Trưng, Lũy Bán Bích, Lê Văn Sĩ, Võ Thị Sáu, Lê Đại Hành, Cách Mạng Tháng Tám,... “Điều này sẽ gây áp lực lên sinh hoạt của bà con. Mong bà con thông cảm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra để làm sao tạo mọi điều kiện đảm bảo đi lại cho bà con” - ông Phượng nói.

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT đường bộ Công an TP, đề xuất: Mỗi lần thi công chỉ nên thực hiện khoảng 50 m theo cách cuốn chiếu để mặt đường không bị chiếm dụng dài, gây kẹt xe. Sau khi thực hiện xong, cần tái lập mặt bằng, không để mặt đường gồ ghề hoặc chỉ rải đá dăm như một số nơi hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, ông Sarashina cho biết: “Quan điểm của nhà thầu là thi công càng dài thì càng tốt, vì ngoài diện tích thi công, nhà thầu cần khoảng trống để tập kết nguyên vật liệu, máy móc. Diện tích tối đa phải từ 100 m đến 200 m mới có thể đảm bảo thi công được”.

“Việc đào đường, lập rào chắn là buộc phải làm để xử lý nước thải và tình hình ngập nước của TP. Tuy nhiên, các nhà thầu phải cố gắng thực hiện các giải pháp mà các đại biểu đã đề nghị như việc phân luồng hợp lý, có sự thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn, đúng thời hạn, không để gia hạn quá nhiều lần” - bà Thảo nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP