Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị khi xác lập quy hoạch phải mang tính hệ thống và giải quyết đồng bộ, xác định cốt nền xây dựng của TP.
Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng-an ninh; thu chi ngân sách nhà nước tháng 5 và năm tháng đầu năm 2018.
Điều chỉnh quy hoạch không được mạnh ai nấy làm
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng hiện nay công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của TP.HCM yếu và còn nhiều bất cập. Hạn chế lớn nhất là công tác lập và thực hiện quy hoạch của TP chưa mang tính hệ thống và đồng bộ. Đơn cử như quy hoạch thủy lợi, cấp thoát nước không phù hợp với nhau…
Từ đó, ông Phong cho biết Sở QH-KT đang tham mưu cho UBND TP về việc điều chỉnh quy hoạch chung của TP. “Quy hoạch chung phải trên cơ sở quy hoạch kinh tế-xã hội vốn đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt từ năm 2013. Khi đó, TP chưa có đề án xây dựng đô thị thông minh, chưa có đô thị sáng tạo phía Đông, chưa có quy hoạch không gian ngầm… Vì vậy, giờ muốn điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung thì TP phải điều chỉnh quy hoạch kinh tế-xã hội, sau đó mới điều chỉnh các quy hoạch ngành” - ông Phong nói và cho rằng nếu mạnh ai nấy làm, thiếu người điều hành chung thì sẽ dẫn đến không đồng bộ. Ông đề nghị khi xác lập quy hoạch phải mang tính hệ thống và giải quyết đồng bộ, xác định cốt nền xây dựng của TP.
Ngoài vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu cho UBND TP những đề xuất về mặt chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách nhằm góp phần tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh hiệu quả, quản lý TP một cách tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: TÁ LÂM |
Thu hút vốn nước ngoài của TP.HCM tăng hơn 34%
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết trong năm tháng đầu năm, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được chú trọng thực hiện có hiệu quả cao, thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài có những kết quả khả quan, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI được cấp mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, về đầu tư trong nước, trong năm tháng, TP có 16.493 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 185.517 tỉ đồng (so với cùng kỳ tăng 6,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4,3% về vốn đăng ký).
Về thu hút đầu tư nước ngoài, cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TP thu hút được 1,85 tỉ đôla Mỹ (tăng 34,7% so với cùng kỳ).