TP.HCM: Bồi thường đất nông nghiệp cả triệu đồng/m2?

Cập nhật 31/05/2008 09:00

Sở Tài chính TP.HCM vừa có công văn đề xuất với UBND TP.HCM biện pháp tháo gỡ những bất hợp lý trong việc áp giá bồi thường khi giải tỏa đất nông nghiệp trên địa bàn TP.

Đất nông nghiệp bán giá gần bằng đất ở

Mới đây, UBND TP đã duyệt giá bồi thường đất nông nghiệp đối với dự án Trung tâm dạy nghề và khu giải trí Festival (quận 9) là 375.000 đồng/m2 (mặt tiền đường), 250.000 đồng/m2 (không mặt tiền đường). Tương tự, tại dự án cầu xây dựng, giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm mặt tiền đường được tính 300.000 đồng/m2 và 200.000 đồng/m2 đối với đất không mặt tiền đường.

Mặc dù vậy, nhiều người dân ở khu vực bị thu hồi đất vẫn chưa bằng lòng và cho rằng giá bồi thường trên còn quá rẻ. Phản ứng của họ không phải không có căn cứ vì thực tế giá đất nông nghiệp họ bán cho tư nhân bên ngoài ít nhất cũng gần 1,5 triệu đồng/m2.

Một dự án khác tại quận Thủ Đức được TP duyệt giá bồi thường đất nông nghiệp chỉ có 150.000-200.000 đồng/m2. Trong khi phần lớn đất nông nghiệp ở quận này được bán trên thị trường gần bằng giá đất ở thì giá bồi thường đất ở tại quận này lại được duyệt lên tới 8-10 triệu đồng/m2.

Theo Nghị định 123, giá đất để tính bồi thường là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường theo mục đích sử dụng hợp pháp. Việc xác định giá thị trường đối với đất nông nghiệp là tương đối khó. Phần lớn đất nông nghiệp tại TP.HCM đều đã được đưa vào kế hoạch thực hiện các dự án. Việc xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường theo hiệu quả sản xuất nông nghiệp không được người dân đồng tình. Thực tế là TP hầu như không còn trường hợp nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp.

Sẽ bồi thường tăng gấp vài lần

Theo Sở Tài chính, để giải quyết những vướng mắc trên, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư, nhà nước và người dân, cần có chính sách hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất nông nghiệp. Sở đề xuất khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp sẽ tính bồi thường theo khung giá quy định và được hỗ trợ thêm 10% giá đất ở để tính bồi thường ở vị trí liền kề. Nếu một dự án có nhiều giá đất ở để tính bồi thường thì tính theo giá đất trung bình cộng của các đơn giá đất ở đó.

Theo cách tính trên, ta thử tính toán đối với dự án đường vành đai ngoài - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Đất mặt tiền đường Kha Vạn Cân được bồi thường giá 11,9 triệu đồng/m2. Đơn giá đất nông nghiệp ở dự án này là 300.000 đồng/m2. Nếu giá đất nông nghiệp được cộng thêm 10% giá đất ở liền kề thì người dân sẽ nhận được giá bồi thường cao gấp năm lần giá đất cũ (khoảng 1,5 triệu đồng/m2).

Có ý kiến cho rằng việc bồi thường thêm như trên là khá cao. Theo dự kiến của ông Nguyễn Văn Út, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, nếu áp dụng khoản này thì có thể bù đắp phần nào thiệt thòi của người nông dân bị thu hồi đất.

Theo ông Út, nên giải quyết từ cái gốc của vấn đề là tính một giá bồi thường cho tất cả các loại đất. Những dự án do nhà nước bồi thường thì giá đất thấp hơn nhiều so với giá của các doanh nghiệp thỏa thuận. Có khi hai miếng đất nằm sát nhau nhưng hai giá bồi thường chênh lệch nhau đến năm, bảy lần. Nếu như nhà nước đứng ra bồi thường và giao đất “sạch” (đã giải tỏa xong) cho tất cả các dự án thì sẽ hạn chế được tình trạng này. “Nếu cứ theo yêu cầu của người dân mà nâng giá đất bồi thường thì sẽ không có điểm dừng” - ông Út nhận định.

Theo Pháp Luật TP.HCM