TP.HCM: bất động sản "ảm đạm" cuối năm

Cập nhật 21/11/2010 09:30

Những dấu hiệu chững lại cũng như sự sụt giảm lượng giao dịch nhà đất tại thị trường TP. HCM vào mùa cao điểm trở thành đề tài được bàn luận nhiều trong tuần qua. Bên cạnh đó, mức giá khá cao của nhà đất tại Hà Nội cũng là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm.


Thị trường nhà đất tại TP. HCM "ảm đạm" cuối năm. Ảnh: Hà Duy

Giao dịch giảm mạnh

Đã vào thời điểm cuối năm nhưng thị trường bất động sản tại TP. HCM có vẻ chững lại so với mọi năm. Các giao dịch giảm mạnh, thậm chí có lúc giảm tới 50% so với những tháng đầu năm. Số lượt giao dịch thành công những tháng cuối năm rất ít.

Tình trạng lại càng thêm “ảm đạm” khi nhà đầu tư khó huy động vốn, lãi suất ngân hàng cho vay cao từ 15% - 17% khiến khách hàng trở nên do dự trong các phiên giao dịch. Hơn nữa, thời gian qua do giá tăng cao nên vàng và USD được đổ vốn đầu tư khiến nguồn vốn đầu tư bất động sản giảm mạnh. Thị trường nhà đất tại đây rơi vào tình trạng ảm đạm nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật về nhà đất như Nghị định 71, Thông tư 16 mới đây cũng tác động ít nhiều đến thị trường bất động sản. Những dự án được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng góp vốn sẽ không còn giá trị giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường. Đối với những dự án chưa hoàn thành còn tồn tại hợp đồng mua bán dở dang sẽ không được phép giao dịch. Trong khi trước đây, khi dự án xin được giấy phép, nhà đầu tư đã có thể tiến hành ngay việc huy động vốn, chào hàng và ký hợp đồng với những khách hàng có nhu cầu.

Những khó khăn khách quan trên đã góp phần tạo sự trầm lắng cho thị trường. Giai đoạn cao điểm nhưng nhà đất TP. HCM vẫn chưa thoát khỏi tình trạng chững lại như thời gian qua là một điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, vẫn có một vài ý kiến cho rằng, thời điểm này nhiều nhà đầu tư đã âm thầm gom nhà số lượng lớn với giá sỉ để đầu tư khi thị trường bất động sản ấm lên, một cơ hội tốt cho nhiều doanh nghiệp kiếm lời… Như vậy, đến những lúc thích hợp, những nhà đầu tư lớn sẽ bung hàng và thị trường sẽ trở lại đà giao dịch tốt hơn.

Theo ghi nhận thực tế, dù cả thị trường nhà đất nói chung và tại TP. HCM nói riêng vẫn trầm lắng nhưng vẫn có một vài phân khúc thu hút được giao dịch như căn hộ giá trung bình thấp, mặt bằng bán lẻ... Do những phân khúc này đáp ứng nhu cầu của người dân, giá mềm nên vẫn diễn ra hoạt động mua bán dù chưa đúng mức như kỳ vọng.

Hà Nội: giá đất lại tăng

Sau thời gian rơi vào trầm lắng, gần đây, giá đất các khu đô thị mới tại Hà Nội liên tục tăng nhanh. Đất tăng không chỉ tập trung vào các trung tâm, các nơi nằm trong dự kiến quy hoạch mở rộng thủ đô mà còn là các vùng ven ngoại thành. Thậm chí, những khu vực lân cận ngoại thành cũng tạo sự chú ý không phải bởi lượng giao dịch nhà đất mà bởi có mức giá cao hơn nhiều so với mặt bằng chung.

Một điều đáng chú ý là trước đây, giá đất ở Hà Nội sau những đợt sốt giá đã trải qua nhiều đợt điều chỉnh nhưng vẫn nằm ở mức cao. Và hiện nay, chính từ nền giá này, những đợt tăng lại tiếp tục ồ ạt dù tình hình nhà đất vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục hoàn toàn.

Theo các báo cáo thống kê, mức giá tại các khu đô thị Hà Nội có mức dao động từ 60 – 100 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí, hạ tầng. Những khu vực đất ngoại thành cũng tăng mạnh, có những nơi tăng lên đến tới 50%.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân giá đất Hà Nội tăng dần nhất là vùng ven, khu ngoại thành là do đất rao bán trong nội thành ít đi và khu ngoại thành trở nên tiềm năng. Đặc biệt, sau khi có những thông tin quy hoạch liên tục cập nhật, mức giá lại dao động tăng lên.

Mặc dù thị trường vẫn chưa ghi nhận được tín hiệu giao dịch sôi động nhưng giá đất tại Hà Nội ngày càng tăng cao là một thực tế đáng lo ngại. Vì nếu đúng quy luật như những khu vực khác, giá cả sẽ có sự chuyển động theo xu hướng tăng giảm tùy theo từng thời điểm khác nhau. Nhưng với nhà đất Hà Nội, mọi quy luật hầu như không được thực hiện. Mức giá luôn ở mức cao dù ở thời điểm những đợt sốt ảo, sốt do thổi giá, đầu cơ đã bị phát hiện và mọi giao dịch nhà đất hầu như chững lại.

Chính sự bất thường về mức giá cũng góp phần tạo sự e dè cho các nhà đầu tư. Họ lo lắng đây là biểu hiện của đầu cơ, làm giá và không tin cậy dồn vốn vào khu vực này. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần có biện pháp điều chỉnh để đưa mức giá nhà đất Hà Nội gần hơn với giá trị thực.

Thúy Trần, Minh Nguyệt - DiaOcOnline.vn