TP.HCM: Bắt đầu trả “phần vắng” cho Việt kiều

Cập nhật 11/01/2008 14:00

Trên 170 tỷ đồng phần vắng và lãi suất sẽ được hoàn trả cho chủ sở hữu. Từ ngày 17 - 1, Sở Tài chính bắt đầu tiếp nhận hồ sơ và giải quyết trả phần vắng chậm nhất trong khoảng một tháng.

Ngày 7 - 1, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 01 về việc hoàn trả phần vắng đồng sở hữu nhà ở thuộc sở hữu tư nhân (gọi tắt là phần vắng).
 
Theo quyết định này, những phần vắng hoàn trả cho chủ sở hữu gồm:

- Phần vắng được nộp tại Ngân hàng Phát triển nhà TP, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển TP và Kho bạc nhà nước TP theo Quyết định số 230 ngày 25.4.1989 và Quyết định số 351 ngày 12.6.1991.

- Phần vắng nộp tại Ngân hàng Công thương TP (sau này là Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II) theo Hướng dẫn số 843 ngày 2.7.1994 của Sở Nhà đất.

- Phần vắng đã nộp tại Ngân hàng Công thương TP (sau này là Ngân hàng Công thương Việt Nam - Sở giao dịch II) theo bản quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở quy định tại Quyết định 6280 ngày 26.8.1995 của UBND TP.

- Phần vắng đã nộp tại Ngân hàng Sài Gòn Công thương TP theo bản quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đô thị, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại TP.HCM quy định tại Quyết định 38 ngày 19.6.2000 của UBND TP.

Ai được hoàn trả phần vắng?

Người được trả lại phần vắng là chủ sở hữu phần vắng (đồng sở hữu, đồng thừa kế) hoặc người đại diện hợp pháp của chủ sở hữu phần vắng. Phần vắng sẽ được hoàn trả bằng tiền, gồm tiền gốc đã nộp cộng với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng nơi gửi tiền.
 
Những trường hợp đã nộp phần vắng vào kho bạc nhà nước thì mức lãi suất sẽ được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng Sài Gòn Công thương. Số lãi suất của những phần vắng nộp ở kho bạc nhà nước sẽ do ngân sách TP chi trả. Sở Tài chính là đầu mối chi trả

TP.HCM giao Sở Tài chính làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ và hoàn trả tiền cho chủ sở hữu phần vắng. Hồ sơ đề nghị hoàn trả phần vắng gồm: đơn đề nghị hoàn trả phần vắng, bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính những giấy tờ chứng minh về chủ sở hữu phần vắng (giấy khai sinh, di chúc, văn bản khai nhận thừa kế, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, trích lục bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật...), giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, giấy tờ liên quan đến việc nộp phần vắng.

Nếu người đề nghị hoàn trả phần vắng không phải là chủ sở hữu phần vắng thì phải có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu. Văn bản ủy quyền phải có xác nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước người ủy quyền định cư hoặc phải được tổ chức hành nghề công chứng tại Việt Nam chứng nhận.


Hồ sơ đề nghị hoàn trả phần vắng phải nộp tại Sở Tài chính TP.HCM. Kết quả xét trả lại phần vắng sẽ được thông báo cho người dân và ngân hàng giữ tiền trong khoảng 15 - 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ. Sau ba ngày kể từ ngày nhận được thông báo, ngân hàng sẽ giải ngân và trả tiền cho người đề nghị hoàn trả.

Hết cảnh mòn mỏi chờ nhận lại tiền

Sau năm 1975, ở TP.HCM có nhiều căn nhà là sở hữu chung của vợ chồng hoặc là di sản thừa kế của cha mẹ để lại cho nhiều anh em cùng hưởng nhưng trong số đó có một hay nhiều người đang định cư ở nước ngoài. UBND TP.HCM đã cho phép những đồng sở hữu trong nước bán toàn bộ căn nhà và giao phần vắng đó cho nhà nước xử lý.

Các cơ quan nhà nước tổ chức định giá phần vắng rồi sung công (nếu phần vắng đó thuộc nhà nước quản lý) hoặc giao ngân hàng giữ giùm (nếu phần vắng thuộc sở hữu tư nhân nhưng chủ của phần vắng chưa thể ủy quyền cho người trong nước bán nhà). Biên lai nộp tiền sẽ do các cơ quan nhà nước (phòng công chứng và Sở Nhà đất cũ) giữ.

Ý định của UBND TP là khi nào người vắng mặt trở về định cư tại Việt Nam thì sẽ được xem xét trả lại phần vắng. Hiện tại, số tiền trên đang được gửi tại nhiều ngân hàng và kho bạc nhà nước của TP do Sở Tài chính đứng tên tài khoản, tổng cộng trên 170 tỷ đồng. Trong những năm qua, nhiều người mong muốn được nhận lại phần tiền đó để buôn bán, làm ăn nhưng chưa được giải quyết.

Tháng 7 - 2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1037 cho phép các đồng thừa kế nước ngoài được nhận lại phần vắng. Từ đó đến nay, nhiều người đã tìm đến các phòng công chứng và Sở Tài chính để nộp hồ sơ, tìm hiểu thủ tục. Tuy nhiên, Sở Tài chính vẫn chưa thể giải quyết trả phần vắng cho người dân vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Khoảng 30 người đã tranh thủ nộp đơn “xí chỗ” trước tại Sở Tài chính.

Chuyên viên Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính) cho biết sẽ hướng dẫn những người dân trên làm lại hồ sơ theo biểu mẫu mới ban hành. Sở sẽ làm công văn chuyển ngay ngày đầu tiên khi quyết định của UBND TP có hiệu lực vào ngày 17 - 1. Những trường hợp bị mất giấy tờ chứng nhận nộp tiền thì chủ sở hữu phần vắng có thể thông báo số nhà cùng tên người nộp phần vắng để các cơ quan kiểm tra hồ sơ và trả lời cụ thể.

Các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết quyền sở hữu nhà cho những người vắng mặt gồm:

- Nghị quyết 58 năm 1998 về giao dịch nhà ở xác lập trước 1.7.1991 giữa những cá nhân ở trong nước: Đối với những trường hợp quản lý nhà ở vắng chủ giữa các cá nhân với nhau, chủ sở hữu nhà và các thừa kế của họ (hoặc những người quản lý, sử dụng nhà liên tục từ 30 năm trở lên trong trường hợp chủ sở hữu đã chết, đi vắng không có người thừa kế) được nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà.

- Nghị quyết 23 năm 2003 và Nghị quyết 755 năm 2005: “Đại xá” cho những chủ sở hữu nhà tuy thuộc diện bị quản lý, cải tạo nhà nhưng thực tế nhà ở đó chưa bị quản lý, bố trí sử dụng.

- Nghị quyết 1037 năm 2006 về những giao dịch nhà xác lập trước 1.7.1991 có liên quan đến người ở nước ngoài: Công nhận quyền sở hữu nhà cho các Việt kiều trong trường hợp có nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, mua nhà ở, thừa kế nhà ở...



Theo Pháp Luật TP.HCM