TP.HCM bán đất công để tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng

Cập nhật 13/01/2017 08:50

Ban Chỉ đạo 09 có trách nhiệm thống kê nhà, đất thuộc Nhà nước quản lý và đề xuất thu hồi để tạo nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM.

Ngày 12 – 1, UBND TP.HCM yêu cầu Ban Chỉ đạo 09 của Sở Tài chính thống kê toàn bộ các cơ sở nhà, đất thuộc TP.HCM quản lý, đang cho các doanh nghiệp thuê hoặc tổ chức kinh doanh sai phép, trái phép để thu hồi tạo nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông TP.HCM.

UBND TP.HCM từng đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý các địa chỉ nhà đất của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM. Thực hiện công tác hậu kiểm phương án xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị, tổng công ty, công ty nhà nước thuộc Trung ương và TP.HCM theo phương án đã được Bộ Tài chính, UBND TP.HCM phê duyệt. Tiếp tục rà soát trình UBND TP.HCM phê duyệt đợt 2 và nhà đất kê khai bổ sung.

Các huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn rà soát 263 địa chỉ nhà đất tại địa phương, gồm 64 địa chỉ do UBND huyện Củ Chi quản lý, 30 địa chỉ do UBND huyện Hóc Môn quản lý và 169 địa chỉ do UBND huyện Bình Chánh quản lý để cung cấp hồ sơ có liên quan theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 09.

Để tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng, TP.HCM sẽ bán đất thuộc sở hữu Nhà nước

Đối với 230 nhà đất đã được phê duyệt, thu hồi, UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện, Sở Tài nguyên Môi trường, đơn vị được giao tiếp nhận thu hồi, định kỳ hằng quý báo cáo tiến độ thu hồi gửi về Ban Chỉ đạo 09 để tổng hợp, đề xuất TP.HCM hướng xử lý.

Riêng đối với 12 địa chỉ nhà đất chưa thu hồi với tổng diện tích hơn 49.000m2 như Văn phòng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Cao su Bến Thành, Công ty Công nghiệp Cơ khí Sài Gòn, một phần diện tích Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Công trình Giao thông 60 của Bộ Giao thông Vận tải... TP.HCM yêu cầu phải nêu rõ lý do, các vướng mắc và tiến độ giải quyết và báo cáo đề xuất xử lý.

Với 1.809 nhà đất đã được phê duyệt cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thủ trưởng các đơn vị cần báo cáo tiến độ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất định kỳ hằng tháng, hằng quý gửi Ban chỉ đạo 09.

Ban Chỉ đạo 09 cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM, UBND các quận, huyện và các sở ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các mặt bằng nhà đất dôi dư do các đơn vị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích và không hiệu quả để bố trí cho các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đầu tư xây dựng làm cửa hàng, siêu thị để phát triển mạng lưới thương mại trên địa bàn TP.HCM.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 của UBND TP.HCM, bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, TP.HCM là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và có tỷ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong số 63 tỉnh thành.

Trong khi đó, tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM thời kỳ ổn định ngân sách 2017 – 2020 chỉ còn được hưởng 18%. Do đó, nhiệm vụ thu chi ngân sách của TP.HCM ngày càng khó khăn.

Do đó, bà Thắng đề nghị rà soát, sắp xếp các địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bán chỉ định và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản theo các phương án đã được phê duyệt với 1.033 mặt bằng nhà đất trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, khối TP.HCM quản lý 245 mặt bằng và khối quận huyện 788 mặt bằng.

Ngoài ra, bà Thắng còn đề xuất rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tránh xuống cấp gây lãng phí.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP