Cồn Ấu có diện tích hơn 130 ha, nếu tính cả phần mặt nước sông Hậu giáp ranh giữa TP.Cần Thơ và Vĩnh Long thì diện tích lên trên 184ha. Hiện nay, cùng với chiếc cầu Cần Thơ đang dần hình thành, khu đô thị mới Nam Cần Thơ phát triển, Cồn Ấu trở thành vùng đất vàng của quận Cái Răng. Tuy nhiên, mặc dù quy hoạch tổng thể Cồn Ấu đã có khá lâu, nhiều nhà doanh nghiệp tìm tới xin đầu tư, nhưng đến nay mảnh đất vàng này vẫn còn “ngủ yên”...
Đất vàng bị “lãng quên”
TP.Cần Thơ có trên 70km đất nằm ven sông Hậu và hệ thống sông rạch chằng chịt, liên thông, nên đây có thể là điểm khác biệt, độc đáo so với các đô thị khác trong cả nước. Trong suốt chiều dài dọc theo sông Hậu có 4 cù lao: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn và Cồn Tân Lộc. Các cồn này đều đã hình thành được quy hoạch tổng thể dựa theo đặc trưng của từng nơi. Cồn Khương quy hoạch biệt thự vườn kết hợp du lịch sinh thái; Cồn Sơn có ý định xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng cho người cao tuổi; Cồn Ấu quy hoạch du lịch sinh thái; Cồn Tân Lộc quy hoạch du lịch kết hợp nông nghiệp trang trại...
Tuy nhiên, trong 4 cồn nằm ven sông Hậu, Cồn Ấu có một thế mạnh riêng: cách bến Ninh Kiều khoảng 800 m tính theo đường chim bay và nằm cặp với khu đô thị mới Nam Cần Thơ chỉ cách một nhánh sông nhỏ rộng chừng 100 m. Hơn nữa, chiếc cầu Cần Thơ nối hai bờ sông Hậu có một phần nằm trên Cồn Ấu, sau này khách bộ hành qua cầu thì từ trên một độ cao vừa phải đủ ngắm nhìn toàn cảnh Cồn Ấu...
Thế nhưng, quy hoạch tổng thể Cồn Ấu đã có hơn 5 năm, nhưng đến nay vẫn còn “ngủ yên”, ngoại trừ phần đất Công ty Cataco đầu tư xây dựng khu du lịch Phù Sa trên diện tích gần 30ha vừa đi vào hoạt động hơn một năm nay. Phần đất còn lại trên 100 ha với hơn 70 hộ cư trú (trên dưới 250 khẩu) chỉ sản xuất những loại cây ngắn ngày như rau muống, rau nhúc, bắp... Bởi bà con không dám trồng những loại cây lâu năm có giá trị kinh tế do sợ bị “đốn” (giải tỏa) chừng nào không biết.
Anh Bảy Nam, một người dân ở Cồn Ấu, bức xúc: “Cũng do chờ quy hoạch mà dân ở cồn không ai được cấp “giấy đỏ”. Vì thế, khi muốn cần vay tiền để sản xuất nông nghiệp cũng đành chịu, vì đâu có ngân hàng nào dám cho vay. Người dân ở đây nghe nói quy hoạch không biết bao nhiêu lần, nhưng chờ năm này qua năm khác không thấy động tĩnh gì, dân cứ chịu cảnh khổ hoài...”. Chính vì vậy mà nhiều hộ có đất cũng không ngại cho người ta thuê đào ao nuôi cá tra, dù nơi đây là đất phù sa, trồng thứ gì cũng tốt.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Chủ tịch UBND phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cũng bức xúc không kém: “Chuyện giao dự án là của cấp trên, địa phương chúng tôi không tham gia. Nhưng nguyện vọng của bà con là sớm triển khai quy hoạch để ổn định đời sống, sinh hoạt là điều chính đáng. Mong rằng các cấp lãnh đạo thành phố sớm xem xét đề xuất này...”.
Bao giờ đánh thức đất vàng ?
Thời điểm quy hoạch tổng thể Cồn Ấu và Cồn Khương cũng gần nhau, nhưng chỉ hơn 4 năm mà giờ đây các nhà đầu tư đã đưa vùng đất Cồn Khương “sống dậy” thành vùng đất đắt đỏ - thành làng biệt thự có lối kiến trúc độc đáo của TP Cần Thơ. Còn người nông dân ở Cồn Ấu chỉ với mong ước đơn giản: “sớm thực hiện quy hoạch để dân ổn định nhà cửa, an cư lạc nghiệp”!
Theo thông tin mới nhất của Sở Kế hoạch & Đầu tư thành phố, ngoài khu đất giao cho khu du lịch Phù Sa 30 ha, diện tích còn lại (hơn 100 ha) thành phố đã thuận chủ trương giao cho Hợp tác xã Hữu Nghị 30 ha và phần còn lại giao cho Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 586 chi nhánh Cần Thơ đầu tư phát triển du lịch sinh thái...
Quy hoạch tổng thể Cồn Ấu được phê duyệt để phát triển du lịch sinh thái, phù hợp với đặc trưng nơi đây. Nhưng một khu đất có tổng diện tích trên 130 ha, thành phố lại giao tới 3 nhà đầu tư, liệu có xảy ra tình trạng “băm nát” Cồn Ấu? Một nhà đầu tư Nhật Bản sau khi tham quan Cồn Ấu có nhận xét: “Chỉ cần bán không khí cũng hốt bạc!”. Phải chăng vì những lợi thế này mà có nhiều nhà đầu tư cùng lúc muốn nhảy vào khu đất vàng ấy?
Một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch nhận xét: Mặc dù đã có quy hoạch tổng thể, nhưng để đảm bảo quy hoạch khả thi và xây dựng đúng quy hoạch chỉ nên giao cho một nhà đầu tư thì mới có thể xây dựng đồng bộ... Thực tế cũng đã cho thấy, có rất nhiều dự án khu dân cư ở Nam Cần Thơ quy mô 15 - 20 ha, gần như dự án nào cũng quy hoạch có chợ, có trường học, thậm chí có cả trụ sở phường... nhưng cuối cùng có mấy dự án hình thành được những công trình phúc lợi đúng như quy hoạch?
Chia nhỏ một khu đất cho nhiều nhà đầu tư đương nhiên họ sẽ khai thác những phần “nạc” trước, xương xẩu thường để sau, đó là chưa kể năng lực của các nhà đầu tư có như nhau hay “ông muốn làm nhanh, ông muốn làm chậm” sẽ khó đảm bảo quy hoạch được đồng bộ. Đó là chưa kể tình trạng có nhà đầu tư đền bù thấp, nhà đầu tư đền bù cao, dân không đồng thuận, thì không biết đến bao giờ 130 ha đất Cồn Ấu mới hình thành đúng theo quy hoạch!
Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, những dự án có quy mô lớn 100 - 200 ha, bắt buộc chủ đầu tư phải xây dựng những công trình phúc lợi xã hội đồng bộ để đáp ứng đòi hỏi của người dân... Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị mới Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Xét năng lực nhà đầu tư mới quyết định cho tham gia dự án là điều đương nhiên. Nhưng trên thực tế, những nhà đầu tư nào có những công trình thành công trước đó, có đủ kinh nghiệm, tiềm lực thì khả năng thực hiện dự án đều tốt hơn...”.
Theo quy hoạch và vị thế Cồn Ấu xứng đáng là khu đất vàng trong tương lai. Song, đừng để đất vàng ai cũng muốn nhảy vào, nhưng chỉ muốn xí phần rồi tiếp tục “treo” quyền của người dân, vừa làm khổ dân, vừa gây lãng phí cho xã hội...