TP Hồ Chí Minh: Thiếu đất di dời nhà ven kênh rạch

Cập nhật 26/05/2018 11:39

Dù đã có kế hoạch di dời, tái định cư bằng vốn ngân sách cho gần 22.0000 căn nhà trên và ven kênh rạch, thuộc 61 dự án trên toàn địa bàn, thế nhưng trong nhiều năm TP HCM vẫn loay hoay tìm giải pháp do thiếu quỹ đất trầm trọng…


Nhiều gia đình vẫn sống bám kênh rạch do chưa có đất di dời.

Thiếu quỹ đất, thiếu vốn

Di dời nhà trên và ven kênh rạch là vấn đề bức xúc và cấp thiết của TPHCM, song song với các vấn đề về ngập nước và kẹt xe đô thị. UBND TP HCM đã xếp nhiệm vụ chỉnh trang đô thị vào một trong 7 chương trình đột phá của thành phố, giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), thế nhưng đến nay vẫn loay hoay chưa tìm được giải pháp căn cơ.

Theo ông Lê Trần Kiên- phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố còn gần 22.000 căn nhà trên và ven kênh. Các căn nhà này đều nằm trong chương trình di dời của UBND TP, được dự kiến thực hiện bằng vốn ngân sách và nguồn vốn vay ODA.

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, dự kiến của TP HCM chia chương trình làm ba nhóm triển khai di dời nhà ven kênh. Cụ thể, nhóm 1 thực hiện 52 dự án di dời, với khoảng 14.400 căn trong diện giải tỏa, di dời, với kinh phí bồi thường, tái định cư khoảng gần 22.400 tỉ đồng; Nhóm 2 di dời khoảng 1.800 căn, với kinh phí dự kiến để di dời là hơn 2.700 tỉ đồng; nhóm 3 sẽ thực hiện 6 dự án di dời hơn 6.200 căn, với kinh phí khoảng 19.000 tỉ đồng (theo hình thức đối tác công - tư, PPP).  Tuy nhiên, chính ông Lê Trần Kiên cũng đã thừa nhận, trong hai năm đầu thì hiện thành phố mối thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng quy hoạch.

Với tiến độ như vậy, ông Nguyễn Thanh Toàn- phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đánh giá, việc triển khai đang khá chậm, thể hiện việc nhiều quận, huyện còn chưa có sự phối hợp với sở ngành trong triển khai dự án. Cụ thể, tại Dự án bờ Nam Kênh Đôi (Q.8) có gần 10.000 căn nhà được di dời, bao gồm khoảng 32.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi chủ trương di dời của thành phố. Đây là một trong những dự án có số người phải di dời đông nhất, nhưng cho đến nay cũng chưa có tiến triển báo cáo khả thi. Theo lý giải của UBND Q.8, để thực hiện Dự án này chính quyền quận đã có phương án di dời toàn bộ các hộ dân thuộc diện giải tỏa, bước đầu đã ưu tiên di dời các nhà lụp xụp ven kênh rạch, và không còn đảm bảo an toàn.

Một dự án khác, với chủ trương di dời khoảng 1.700 căn nhà thuộc địa bàn Q.4 quản lý, cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân.  Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Q.4 thừa nhận quỹ nhà tái định cư của quận hiện nay đã không còn, nên rất khó khăn trong tìm giải pháp giải tỏa, di dời cho các hộ dân trong khu vực chịu ảnh hưởng.

Cũng theo ông Quân, mới đây khi thực hiện dự án xây dựng, mở rộng đường Tôn Thất Thuyết (Q.4) và dự án công viên cây xanh bên bờ kênh Tẻ (giai đoạn 1 và 2), kết hợp với giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, UBND Q.4 thực hiện chỉ đạo của UBDN TP dự kiến sẽ giải tỏa trắng 468 nhà và giải tỏa một phần 428 nhà còn lại, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1.466 tỷ đồng. Chưa kể, để thực hiện Dự án xây dựng công viên hồ Khánh Hội (giai đoạn 4), UBND Q.4 cũng dự kiến sẽ giải tỏa toàn bộ 609 nhà dân và giải tỏa một phần 74 nhà dân, tuy nhiên vấn đề quỹ đất tái định cư vẫn là vấn đề khiến chính quyền quận đau đầu tìm giải pháp tháo gỡ.

Vẫn tìm giải pháp   

Chủ tịch UBND Q.4 Trần Hoàng Quân chia sẻ, không chỉ riêng nhà trên và ven kênh, mà hiện nay chính quyền quận còn phải giải quyết tái định cư cho người dân sống tại các chung cư xuống cấp (mức độ D), thậm chí nếu có quỹ đất thì số tiền bồi thường ít ỏi người dân cũng khó có thể xoay sở để đủ tiền mua một căn nhà khác sau khi di dời đi.

“Trong hơn 1.000 căn nhà ven kênh, rạch của quận hiện nay thì có tới 40% là nhà nhỏ, có diện tích 10-20m2. Nếu thực hiện giải tỏa thì mỗi hộ dân chỉ nhận được tiền bồi thường trên dưới 100 triệu đồng, do đó khó có thể đủ tiền mua nhà tái định cư”- ông Quân nhìn nhận.

Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh- giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, trước mắt thành phố cần tập trung thực hiện trước những dự án đơn giản trước, nếu không làm nhanh sẽ không đạt được như kế hoạch đề ra, vì chương trình chỉnh trang đô thị sẽ kết thúc giai đoạn đầu vào năm 2020. Ngoài thiếu quỹ đất, ông Hạnh cũng cho rằng, thách thức lớn hiện nay là nguồn kinh phí thực hiện chương trình do liên quan đến 52 dự án, phải di dời khoảng 13.827 căn nhà trên ven kênh rạch, với tổng mức bồi thường dự kiến lên đến hơn 21.000 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận khó khăn về thiếu quỹ đất tái định cư của nhiều quận huyện có nhà ở ven kênh trong diện phải giải tỏa, di dời. Thế nhưng, ông Phong cũng đề nghị các quận nghiên cứu bước đi phù hợp với điều kiện của mỗi quận để thúc đẩy tiến độ dự án.

Một trong các hướng được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong gợi ý, bao gồm việc xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp khu dân cư hiện hữu; xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn của các quận, huyện có kênh rạch thuộc diện giải tỏa, di dời. Đối với các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp với UBND các quận, huyện vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ hợp lý, song song với tính toán đồng bộ việc bố trí tái định cư cho người dân ven kênh rạch. 

Quá trình di dời hộ dân khỏi khu vực quy hoạch, Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện cần khéo léo, thận trọng từng bước và không được vi phạm pháp luật. Đối với các căn nhà trên và ven kênh rạch thiếu tính pháp lý (xây trái phép, không phép) cũng cần phải khảo sát thật kỹ để có giải pháp hài hòa, đảm bảo việc ổn định đời sống của các hộ dân. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết