TP Hồ Chí Minh: Phải sớm khắc phục "loạn" chuẩn cốt nền

Cập nhật 25/12/2017 08:27

Mấy chục năm nay, quy hoạch đô thị tại TP Hồ Chí Minh ít quan tâm vấn đề cao độ nền. Hệ quả là ngập cục bộ, phát sinh điểm ngập hay nhà biến thành “hầm”, thành “đồi” khi có việc nâng, hạ đường. Theo các chuyên gia, giải bài toán cao độ nền hiện nay không dễ nhưng phải làm, tránh những hậu quả xấu với thành phố trong tương lai.

Nhà dân hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng cao hơn rất nhiều so với mặt đường.

Theo kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh), vấn đề cốt nền xây dựng (cao độ nền) đã được khuyến cáo cách đây hơn 20 năm, khi TP Hồ Chí Minh mới bắt đầu xây dựng những khu đô thị mới, nhưng lúc đó ít ai quan tâm. Còn theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, hiện nay cao độ nền trong xây dựng của TP Hồ Chí Minh là 2,05m và cao độ nền khống chế là 2,2m nhưng đây chỉ là cao độ nền chống triều cường. Còn cao độ nền bao nhiêu để vận hành hệ thống thoát nước cống, thoát nước mặt... thì chưa xác định được. Cho nên hệ thống giao thông của thành phố hiện nay cũng chỉ xác định theo cao độ nền từng vùng chứ không phải chung cho thành phố.

Trong khi đó, cao độ nền liên quan đến rất nhiều ngành như môi trường, giao thông, thủy lợi, đất đai, kiến trúc - xây dựng... song hiện chưa có cơ chế thống nhất về quy hoạch cao độ nền cho hệ thống thoát nước, chống triều cường... chung của các ngành đó.

Thực tế cho thấy, đường Nguyễn Văn Linh, tuyến đường chính chạy qua Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, trước đây không bị ngập, nhưng bây giờ đã bắt đầu ngập cục bộ, có đoạn ngập khá sâu. Mới đây, để chống “rốn ngập” đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh buộc phải nâng cao mặt đường (do mặt đường hiện hữu rất thấp). Tuy nhiên, sau khi nâng, đường hết ngập nước nhưng nhà dân hai bên đường "tụt" xuống thấp, lại... bị ngập.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, trong các đồ án quy hoạch đô thị, từ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, đến quy hoạch 1/500 đều có xác định cao độ nền. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế thì có độ vênh dẫn tới thực trạng trên.

Theo các chuyên gia, thành phố cần phải giải quyết căn cơ bài toán cao độ nền thì mới có thể làm tốt công tác quy hoạch. Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) đề xuất, cao độ khống chế xây dựng (cao độ nền) của TP Hồ Chí Minh từ 2,5m đến 3,2m trở lên. Cao độ nền này được tính toán căn cứ vào tần suất lũ, triều và có xét đến kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Như vậy, nếu thực hiện theo đề xuất trên sẽ phải nâng cao độ nền hiện hữu của thành phố lên từ 0,5m đến 1,2m. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại băn khoăn nếu nâng cao độ nền như trên có thể sẽ kéo theo cuộc “chạy đua” mới trong nâng nền.

KTS Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, đây là thách thức rất lớn trong công tác quy hoạch phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh nhưng không thể không làm. Trước mắt, thành phố cần thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để chống ngập. Đồng thời, xem xét tất cả các nguyên nhân và hiện trạng phát triển của thành phố để tính toán cao độ nền phù hợp cho từng khu vực.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới