Tp Hồ Chí Minh: Nhà ở xã hội: Còn phải chờ!

Cập nhật 30/03/2007 16:00

LĐLĐ TPHCM kiến nghị: Người mua nhà được trả trước 30% và diện tích căn hộ nên từ 45-60m2, thay vì có loại 30m2như trong Luật Nhà ở quy định. Thời gian mua nhà trả góp từ 15-20 năm, lãi suất bằng 1/2 lãi suất của Ngân hàng Nhà nước

Đầu tháng 4-2007, chúng tôi sẽ khởi công xây dựng 860 căn hộ chung cư tại phường Thới An, quận 12, trong đó 200 căn sẽ dành cho LĐLĐ TP bố trí cho công nhân, cán bộ có thu nhập thấp...”, ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn-Gia Định, công bố.

Doanh nghiệp khởi động

Đã gần 1 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép 3 địa phương: TP Hà Nội, TPHCM và tỉnh Bình Dương được triển khai thí điểm một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi thực hiện rộng rãi. Thế nhưng, cũng ngần ấy thời gian, chính quyền các địa phương phải “đánh vật” nhằm tìm ra phương hướng thích hợp để triển khai, bởi chương trình này theo giới kinh doanh nhà đất nhận định là “bỏ ra bạc tỉ, thu về bạc cắc”.

Trả lời câu hỏi vì sao khi khung chính sách còn nằm trên dự thảo mà Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn-Gia Định dám “liều” tham gia, ông Thiều cho rằng: “Ai làm kinh doanh cũng hiểu lợi nhuận là mục đích sống còn và công ty cũng vậy. Song, nếu tìm được nguồn khách hàng ổn định, tiềm năng... lợi nhuận thu về có chậm thì vẫn chắc chắn hơn việc xây dựng rồi đi tìm khách”. Mặt khác, theo ông Thiều, việc công ty dám làm là do cũng đã có sẵn quỹ đất để đầu tư xây dựng, chứ còn hiện nay nếu phải đi giải phóng mặt bằng chắc là công ty chào thua. Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp địa ốc đều cho rằng rào cản khiến họ ngại tham gia chính là cơ chế chính sách về thuế, về vay vốn trung và dài hạn... mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 34 (ngày 26-9-2006) nhưng các bộ, ngành vẫn chưa hướng dẫn.

Nhà nước chần chừ

Ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Giữa tháng 3-2007, UBND TP đã thông qua cơ bản tờ trình của Sở Xây dựng về đề án triển khai thực hiện đến năm 2010. Theo đó, TP phải xây dựng khoảng 25.000 căn hộ để giải quyết nhu cầu thuê và thuê mua. Nhưng để có thể xây dựng được số nhà trên, các bộ ngành Trung ương phải tháo gỡ nhanh một số vướng mắc. Đơn cử, với điều kiện quỹ đất khan hiếm như TPHCM thì chung cư nhà ở xã hội phải cao trên 6 tầng, chứ không thể 6 tầng trở xuống.

Góp ý cho những giải pháp nhằm tạo tính khả thi cho chương trình nhà ở xã hội, ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho rằng: Chính phủ cần chỉ đạo các ngành liên quan sớm ban hành các chính sách ưu đãi cho người lao động hưởng lương. Cụ thể: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn nộp tiền sử dụng đất; miễn, giảm lệ phí trước bạ; miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà... Mới đây, LĐLĐ TPHCM cũng kiến nghị UBND TP cho người lao động hưởng lương được mua nhà ở xã hội với thời gian trả góp từ 15 - 20 năm, lãi suất bằng 1/2 lãi suất Ngân hàng Nhà nước.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng, trước mắt sẽ triển khai thí điểm 3 dự án nhà ở xã hội tại quận 7, 9 và 12 với tổng số 1.172 căn hộ, vốn đầu tư hơn 243 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nhân, việc chuẩn bị hồ sơ dự án đã xong nhưng “khởi động” chắc còn phải chờ một thời gian nữa.

Giá căn hộ sẽ thấp hơn 200 triệu đồng


Theo Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn-Gia Định, 860 căn hộ chung cư nhà ở xã hội (giai đoạn 1) sẽ nằm trong khu dự án nhà ở Thới An, quận 12 với tổng diện tích hơn 15 ha. Khu dân cư có mật độ dân số 4.876 người với các công trình phúc lợi công cộng như: nhà trẻ, trường cấp 2, siêu thị... Dự kiến giá bán kinh doanh của công ty sẽ từ 5 đến 6 triệu đồng/m2, tùy theo diện tích, vị trí căn hộ. Nếu Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thêm nữa như: miễn giảm thuế GTGT, giảm tiền sử dụng đất... thì giá một căn hộ có diện tích 48m2 sẽ trên dưới 200 triệu đồng. Người mua trả trước từ 30% - 50%, phần còn lại trả góp trong 15 năm.

Theo T.Nguyễn - Người Lao Động