“Sao người dân nỡ quay lưng với ruộng đồng?”. Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Sáu Trí (quận 12), ông lắc đầu ngao ngán: “Biết sao được, tại quy hoạch và ô nhiễm môi trường. Quy hoạch thì không ai dám trồng lúa vì sợ người ta thu đất bất cứ lúc nào. Còn ô nhiễm, lúa trồng bao nhiêu, hư hết bấy nhiêu hoặc thu hoạch được thì chỉ đủ cho gà, vịt ăn”.
Những cánh đồng hoang
Dẫn chúng tôi đến khu vực cánh đồng hoang thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, ông Sáu Trí giải thích: Tên gọi cánh đồng hoang có từ năm 2003, khi những hộ dân bị thu hồi đất để làm khu dân cư 18 ha do Công ty Xây dựng Thương mại kinh doanh nhà Thành Phát làm chủ đầu tư. Từ đó đến nay, một số hộ dân nhận tiền đền bù đã di dời, những hộ chưa nhận tiền thì ở lại cầm cự trồng lúa. Do diện tích canh tác bị teo tóp nên sâu bọ, chuột tập trung về quậy phá. Chịu không thấu, nông dân phải bỏ ruộng. Sau đó chủ đầu tư dính đến vụ lùm xùm đất đai nên từ đó đến nay, toàn bộ diện tích đất này vẫn bỏ hoang.
Khu đất bị vướng quy hoạch treo khá lâu phải kể đến khu dân cư – công nghiệp Tân Tạo, rộng hơn 300 ha, làm đảo lộn cuộc sống các hộ dân ấp 2, 3, 4, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đưa chúng tôi đến những cánh đồng lúa lởm chởm kiểu da beo, ông Phạm Văn Bé thở dài: “Treo hơn 6 năm rồi mà chủ đầu tư vẫn chưa thỏa thuận giá cả. Ruộng bị đưa vào quy hoạch, người dân chẳng thiết tha cấy, cỏ mọc đầy đồng. Xót quá, năm ngoái chúng tôi rủ nhau cấy lại thì lúa mất mùa, dịch bệnh hoành hành...!”.
Tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi cũng có một cánh đồng hoang rộng hàng trăm hecta. Đây là khu đất thuộc dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tân Phú Trung. Với đôi mắt ưu tư hoài niệm về màu xanh ngát của ruộng đồng, ông Nguyễn Văn Hối, tuổi đã ngoài 70, buồn bã: “Dòng họ tôi ba đời làm ruộng. Nhờ làm ruộng mà tôi đã nuôi 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Từ khi ruộng vô quy hoạch, cuộc sống gia đình chỉ biết bám víu vào những gì còn sót lại trên vườn nhà, nên thiếu trước hụt sau”.
Hàng ngàn mét vuông đất nằm dọc kênh Trần Quang Cơ (giáp ranh
quận 12 và huyện Hóc Môn) bị bỏ hoang do ảnh hưởng ô nhiễm.
Nhận 1,6 tỉ đồng tiền đền bù đất nhưng giờ trắng tay,
bà Tạ Thị Quỳnh phải bó rau muống kiếm sống qua ngày.
Ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân TPHCM:
Ở trọ ngay trên đất của mình!
Trong thời gian đi khảo sát thực tế tại nhiều quận, huyện ngoại thành, chúng tôi cảm thấy xót xa khi đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn do không còn ruộng để sản xuất vì đất bị đưa vào quy hoạch, đô thị hóa, ô nhiễm... Buồn hơn khi không chỉ nông dân có ruộng vô quy hoạch phải ngừng sản xuất mà cả những nông dân quanh đấy cũng bị tác động kéo theo mà đua nhau bán đất, lấy tiền tiêu xài rồi không biết xoay đồng vốn, chuyển đổi nghề thế nào. Mới đây, sau 10 năm, chúng tôi trở lại thăm những hộ dân từng bán ruộng đất vì chịu tác động của tốc độ đô thị hóa ở một số phường thuộc quận Bình Tân, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy đa số họ nghèo trở lại, có gia đình phải mướn nhà trọ ngay trên mảnh đất của mình.
Do đó, các chính sách hỗ trợ cho nông dân có đất bị thu hồi như tái định cư, chuyển đổi nghề... cần xem xét lại.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động