TP Hồ Chí Minh: 85% vốn FDI đổ vào địa ốc!

Cập nhật 26/12/2007 09:00

Năm 2007, với 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến thu hút được, TPHCM trở thành 1 trong 3 tỉnh, thành (Hà Nội, TPHCM và Đồng Nai) có lượng vốn FDI cao nhất nước.

Thế nhưng, nếu nhìn vào cơ cấu vốn, nhiều người không khỏi giật mình khi phần lớn đều đổ dồn vào bất động sản. Điều gì đang xảy ra?

Dự án: 7%, vốn chiếm 85%!

Từ đầu năm đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT) TP cấp mới 400 dự án từ nguồn vốn FDI và tăng vốn cho gần 150 dự án. Trong đó, 67% số dự án FDI đầu tư vào các ngành dịch vụ và chỉ có chưa đầy 7% đầu tư vào bất động sản.

Với cơ cấu dự án như thế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng: “Công tác thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM đã đi đúng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà TP đặt ra là đẩy mạnh thương mại dịch vụ”.

Thế nhưng, khi đi sâu vào cơ cấu tỷ lệ vốn đầu tư đối với từng lĩnh vực, mọi người mới… tá hỏa. Theo số liệu mà Giám đốc Sở KH - ĐT Thái Văn Rê công bố, trong tổng số 1,6 tỷ USD vốn FDI của 10 tháng đầu năm thì hết 70% đổ vào bất động sản.
 
Đến tháng thứ 11, tổng vốn tăng lên gần 2 tỷ USD thì con số vốn đầu tư vào bất động sản cũng “nhảy” lên 85%. Và với nhiều dự án bất động sản đang chờ, dự báo đến hết năm, số vốn chảy vào bất động sản sẽ còn tăng.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, đứng ở góc độ kinh tế thì đầu tư vào bất động sản ở TPHCM hiện nay là “siêu lợi nhuận”, nên các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực này là đương nhiên.



Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, một trong
những dự án địa ốc lớn ở TPHCM.

Chuyên gia này giải thích: Nhà nước ta quy định giá “sàn” trong đền bù giải tỏa mà không quy định giá “trần” cho đầu ra của sản phẩm này. Vì vậy, các nhà đầu tư mặc sức áp giá sàn cho đầu vào (tức giá đền bù) nhưng lại làm mọi cách để “đẩy” giá đầu ra để đạt lợi nhuận cao nhất.

Nhiều dự án đền bù đất nông nghiệp với giá chỉ vài trăm ngàn đồng một mét vuông, nhưng khi xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc xây nhà chung cư thì giá tăng gấp mấy chục lần. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp còn chơi trò phù phép nhằm tạo cơn sốt giá ảo như bán ra một ít, rồi cho người mua vào với giá cao, lại bán ra và tiếp tục mua vào giá cao hơn nữa để đẩy thị trường tới đỉnh điểm rồi tung ra bán tất cả số còn lại.

Cuối cùng, nạn nhân chính là người dân và nhà nước gánh chịu sự rối loạn thị trường. Mà vụ mua bán phiếu giữ chỗ ở các dự án The Vista, Sky Garden 3 là một ví dụ. Mới đây, tại nhiều dự án ở quận 7, nhà đầu tư đã huy động vốn bán nền của người dân nhưng sau đó lại chạy được giấy chuyển công năng dự án từ phân lô bán nền thành xây nhà chung cư cao cấp dẫn đến kiện tụng…
 
Đó là chưa kể, trước tình trạng TP chưa hoàn chỉnh quy hoạch mà các dự án đã triển khai tràn lan thì trong vài năm nữa, bức tranh TP sẽ trở nên lỗ chỗ, mất mỹ quan đô thị với hàng loạt nhà cửa, công trình không ăn nhập vào nhau, dẫn đến hàng loạt hệ lụy khó lường.

Nguy cơ lệch hướng phát triển



Ngày càng nhiều cao ốc do nước
ngoài đầu tư tại trung tâm TPHCM.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế TP Nguyễn Thiềng Đức cho rằng, đầu tư ồ ạt vào xây dựng cao ốc, phân lô bán nền như hiện nay sẽ làm mất cân bằng về môi trường, mỹ quan. Theo ông, TP phải “cân chỉnh” lại tỷ lệ vốn đầu tư vào các ngành khác cho hợp lý.

Trước tiên, TP cần phải tập trung ưu tiên, thu hút đầu tư vào việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá để giải quyết nạn ùn tắc giao thông, ngập nước nhằm tháo gỡ rào cản để nhà đầu tư nước ngoài đến với chúng ta ở các ngành dịch vụ khác.

Ông đề nghị, trước tiên là TP phải kiến nghị xây dựng cho mình bảng giá “sàn” và giá “trần” của đầu vào và đầu ra trong các dự án đầu tư đất đai để đất đai không còn là “miếng mồi” siêu lợi nhuận nữa. Bên cạnh đó, các quy định về quy hoạch, xây dựng phải chặt chẽ và đặc biệt là phải có chính sách bảo vệ người tiêu dùng.

Điều mà người dân mong mỏi lâu nay là TP phải làm thế nào để tự “quy hoạch” cho mình một chiến lược phát triển kinh tế ngay từ bây giờ, dù đã muộn. Khi lãnh đạo TP Đà Nẵng dám từ chối những dự án lớn hàng tỷ đô la chỉ vì mục tiêu trở thành “TP xanh”, không ô nhiễm môi trường (các dự án bị từ chối không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường) thì câu hỏi mà người dân đặt ra là TPHCM - một TP luôn được coi là “anh hai” của cả nước - mục tiêu phát triển là gì?

Trong báo cáo định hướng phát triển kinh tế của TP từ nay đến năm 2020 là chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ, thu hút những ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Nhưng trước tình hình hầu hết vốn FDI đổ vào bất động sản, còn các ngành công nghiệp mũi nhọn khác như chế tạo ô tô thì nhiều năm rồi dù thu hút, ưu đãi, cuối cùng chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Như thế thì bao giờ TP mới trở thành “đô thị công nghệ cao” như điều mà lãnh đạo TP vẫn khẳng định bao lâu nay?

Theo Sài Gòn Giải Phóng