TP HCM: Nghịch lý lãng phí hàng ngàn căn hộ tái định cư trong khi dân không có chỗ ở

Cập nhật 16/03/2018 13:10

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố "Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016-2020 của TP HCM". Theo đó, trong khi hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang thì ngược lại nhiều người dân không có chỗ ở.

Lãng phí do lỗi dự báo sai

Theo Báo cáo kiểm toán, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ cho công tác tái định cư tính đến ngày 31/3/2017 là 39.991 căn nhà, nền đất (25.506 căn nhà và 14.485 nền đất). Các quận, huyện đã bố trí tái định cư được 26.625 căn nhà, nền đất; chưa bố trí được 14.366 căn nhà, nền đất.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra, hai khu tái định cư Thủ Thêm (Q.2) và Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) là hai khu tái định cư có số lượng căn hộ lớn nhất thành phố nhưng cũng đang gây lãng phí nhiều nhất.

Một khu nhà tái định cư tại phường Bình Khánh, khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) nhiều năm hoang vắng người ở

Cụ thể theo Báo cáo kiểm toán, để làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố đã xây dựng khu tái định cư Bình Khánh (Q.2) có diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư nhưng có tới 5.000 căn bỏ hoang.

Còn với khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh, TP HCM), năm 2004, Thành phố quyết định đầu tư dự án có quy mô 30,9 ha, xây dựng 45 lốc chung cư, cao 5 tầng, tổng cộng có 1.939 căn hộ, 529 nền đất. Nhưng vì dự án chậm tiến độ, làm tăng phát sinh tối thiểu 519 tỷ đồng, bằng 195,7% tổng mức đầu tư ban đầu. Tính đến cuối năm 2017 (tức hơn bảy năm sau khi hoàn thành), dự án mới chỉ bố trí được 479 trong số 1.939 căn hộ, đạt tỷ lệ 24,7%, số còn lại bỏ hoang nhiều năm nay.

Để giải quyết tình trạng 'khủng hoảng thừa' này, UBND thành phố đã xin ý kiến Thủ tướng chuyển 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không còn nhu cầu sử dụng phục vụ tái định cư ở phường Bình Khánh, quận 2 sang nhà ở thương mại và đã được chấp thuận. Đối với dự án khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Thành phố đang chủ trương cho bán đấu giá 1.000 căn hộ thừa, số còn lại sẽ dùng dự phòng cho trường hợp thiên tai.

Trước nghịch lý trong khi hàng ngàn căn hộ tái định cư bỏ hoang thì ngược lại nhiều người dân không có chỗ ở, theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của sự nghịch lý trên là vì chính quyền địa phương dự báo sai nhu cầu thực tế và không nắm bắt nguyện vọng của người dân.

Nên để người dân tự quyết

Theo một số chuyên gia, thời điểm bùng phát xây dựng nhà tái định cư là năm 2004. Khi đó chủ trương của Thành phố là đưa hầu hết những cư dân bị ảnh hưởng giải tỏa về các khu độ thị mới nằm ở Vĩnh Lộc B và Thủ Thiêm. Thực tế, việc xây nhà tái định cư có giá khá thấp so với những dự án chung cư thương mại. Trong khi đó, số tiền bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa đền bù giai đoạn này cũng khá thấp. Do vậy, người dân phải đứng trước một trong hai lựa chọn: hoặc nhận nhà tái định cư hoặc nhận tiền đền bù.

Tuy nhiên, với số tiền đền bù chỉ khoảng vài trăm triệu đồng thì dân không thể mua đất để xây nhà mới. Do đó, rất nhiều người đã chấp nhận nhận nhà vào thời điểm này. “Tuy nhiên, vì nhiều người nhận nhà xong nhưng do nhà ở xa, hạ tầng chưa đảm bảo đồng bộ, không tiện đi lại làm việc, sinh hoạt, hoặc nhà có chất lượng thấp, nhanh chóng xuống cấp nên nhiều người nhượng lại cho người khác hoặc bỏ hoang, không đến ở”, ông Trần Minh Hoàng, một chuyên gia nghiên cứu thị trường Bất động sản phân tích.

Trước thực trạng “khủng hoảng thừa” hàng chục ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bỏ hoang trong khi ngược lại nhiều người dân không có chỗ ở, phải đi thuê nhà hoặc phòng trọ sống tạm, một chuyên gia môi giới Bất động sản nêu giải pháp: “Không nên áp đặt người dân nhận nhà tái định cư do nhà nước xây, ngược lại nên có cơ chế đền bù hợp lý, theo cơ chế thị trường, thậm chí cao hơn để người dân có điều kiện tự quyết, chọn lựa cho mình nơi sống mới và có điều kiện hơn đời sống cũ”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN