Hiện tại tổng diện tích bán lẻ tại TP.HCM đạt khoảng hơn 780.000m2 bao gồm khối đế bán lẻ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị và trung tâm bán sỉ. Nguồn cung bán lẻ hiện nay đã tăng khoảng 11% so với quý trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Diện tích bán lẻ của các trung tâm mua sắm chiếm thị phần lớn trong tổng nguồn cung hiện tại với khoảng 47% - theo báo cáo Q4/2012 của Knight Frank.
Mặc dù giá thuê tại một số dự án bán lẻ có giảm nhưng giá thuê trung bình trong quý hiện tại tiếp tục ổn định so với quý trước do giá thuê khá cao tại trung tâm mua sắm Vincom Centre A vừa mới đi vào hoạt động. Giá thuê mặt bằng bán lẻ cao nhất hiện nay ở mức khoảng 3,8 triệu đồng (184USD)/m2/tháng.
Hai trung tâm mua sắm mới là Vincom Centre A, Quận 1 và Pandora Plaza, quận Tân Phú đã đạt được tỷ lệ lấp đầy khá tốt, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các dự án bán lẻ hiện tại tăng khoảng 2% so với quý trước, đạt mức 86%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng năm 2012 tại TP.HCM tăng khoảng 8,3% so với cùng kỳ (đã loại trừ yếu tố biến động về giá).
Yêu cầu tìm kiếm mặt bằng tại các cửa hàng mặt phố vẫn rất nhiều do nhu cầu mở rộng hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh như Domino Pizza, Pizza Hut, Baskin Robbins, v.v tại các vị trí thuận lợi nhằm đáp ứng thói quen mua sắm của người Việt Nam.
Quý 4/2012 chứng kiến nguồn cung bán lẻ mới từ các dự án trung tâm mua sắm và siêu thị. Trung tâm mua sắm Vincom Centre A với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ khoảng 38.000m2 đã khai trương vào tháng 10/2012. Đây là trung tâm mua sắm thứ năm trong chuỗi hệ thống Vincom Centre được đầu tư và quản lý bởi VinGroup. Vincom Centre A đã thu hút nhiều nhãn hiệu quốc tế và dự kiến sẽ trở thành trung tâm mua sắm cao cấp tại TP.HCM do có vị trí đắc địa.
Trung tâm mua sắm mới tại quận Tân Phú-Pandora Plaza (với năm tầng-khoảng 25.500m2) đã đi vào hoạt động. Một số khách thuê chính là siêu thị Big C Trường Chinh, Megastar Pandora, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, v.v. Một số siêu thị cũng đã mở rộng hệ thống cửa hàng bao gồm Co.opmart Hòa Hảo, Quận 10 (3.500m2); Vinatex Tân Quy, huyện Củ Chi (1.000m2) và Big C Trường Chinh (7.000m2) tại quận Tân Phú. Nguồn cung mới này cho thấy xu hướng mở rộng siêu thị tại các khu vực vùng ven như huyện Củ Chi và quận Tân Phú.
Hiện tại tổng diện tích bán lẻ tại TP.HCM đạt khoảng hơn 780.000m2 bao gồm khối đế bán lẻ, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị và trung tâm bán sỉ. Nguồn cung bán lẻ hiện nay đã tăng khoảng 11% so với quý trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Diện tích bán lẻ của các trung tâm mua sắm chiếm thị phần lớn trong tổng nguồn cung hiện tại với khoảng 47%.
Theo Knight Frank, trong tương lai dự kiến sẽ có khoảng 1,4 triệu m2 diện tích bán lẻ sẽ tham gia vào thị trường. Một số dự án bán lẻ đáng chú ý sắp đi vào hoạt động như Pico Plaza, quận Tân Bình; Times Square, Quận 1.
Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, sẽ có thêm khoảng 500 siêu thị tham gia vào thị trường bán lẻ trên cả nước. Quy hoạch này cũng thể hiện mục tiêu đạt 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm đến năm 2020. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, thị trường biệt thự, nhà phố và đất nền, năm 2012 đã khép lại với giai đoạn tiếp tục suy giảm tại hầu hết các khu vực. Mặc dù các ngân hàng và Chính phủ vẫn tiếp tục tăng cường hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà để ở, nhưng Quý 4/2012 vẫn chứng kiến sự sụt giảm của thị trường với tỷ lệ giao dịch thấp và sự vắng mặt của các dự án mới.
Phân khúc bình dân, là phân khúc dẫn dắt thị trường trong quý trước cũng đã trải qua sự sụt giảm về khối lượng giao dịch. Tỷ lệ giao dịch tại các quận Bình Chánh, Thủ Đức, Nhà Bè và Quận 9 trong quý 4 chỉ đạt khoảng 2/3 so với quý 3. Nhu cầu giao dịch cho phân khúc cao cấp vẫn không thay đổi, duy trì ở mức độ thấp. Chỉ có một vài giao dịch được ghi nhận ở những vị trí đắc địa và chủ yếu cho mục đích để ở. Quận 9 đứng đầu xu hướng giảm giá trong suốt năm 2012, với mức giảm khoảng 12% so với năm trước, tiếp theo là các quận Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh và Quận 2 có mức giảm từ 6% đến 10%. Các khu vực đắc địa như KĐT Phú Mỹ Hưng và các khu vực khác ở Quận 7 và Quận 2 có mức độ giảm giá ít hơn, chủ yếu là do vị trí và tiện ích hiện hữu của những khu vực này.
Năm 2012 cũng ghi nhận xu hướng tiếp tục suy giảm trên thị trường thứ cấp, chủ yếu do nỗ lực của các nhà đầu cơ nhằm thoát khỏi thị trường để tránh thua lỗ hơn nữa. Quý cuối cùng của năm 2012 cũng là quý thứ hai liên tiếp khi mà không có nguồn cung mới nào tham gia vào thị trường. Kết quả là nguồn cung trong năm 2012 thấp nhất kể từ năm 2009 với khoảng 80 căn biệt thự và nhà phố cung cấp cho thị trường trong cả năm.
Các chủ đầu tư tiếp tục đưa ra thị trường các dự án đất nền giá phải chăng tại các khu vực lân cận TP.HCM thông qua một số phương thức quảng cáo. Tuy nhiên, sức hấp dẫn rất yếu và tỷ lệ giao dịch giảm đáng kể sau đợt chào bán đầu tiên, mặc dù giá bán nhìn chung vẫn không thay đổi.
Năm 2013 dự báo sẽ chứng kiến sự kích cầu mạnh mẽ từ Chính phủ dành cho người mua nhà để ở. Tuy nhiên, niềm tin thị trường trong năm 2013 dự báo sẽ vẫn còn thấp. Thị trường đất nền sẽ không còn được người mua đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn trong giai đoạn ngắn và trung hạn.
Nguồn cung tương lai của phân khúc cao cấp sẽ rất hạn chế trong năm 2013, với hầu hết các dự án mới sẽ được tung ra thuộc phân khúc bình dân, đặc biệt là ở các khu vực ngoại thành.
Theo nhận định của Knight Frank, tình trạng hiện nay là kết quả từ việc niềm tin của người mua nhà đối với thị trường vẫn còn thấp. Hầu hết người mua có sẵn tài chính đều bảo lưu vốn từ việc đầu tư vào bất động sản. Trong khi đó những người có nhu cầu mua để ở thì do bị ảnh hưởng từ nền kinh tế khó khăn nên cũng không có khả năng để đầu tư theo mức giá thị trường hiện tại.
Knight Frank dự báo giá bán trên thị trường sẽ có thể còn suy giảm để đáp ứng được phần lớn nhu cầu. Quận 9 với cơ sở hạ tầng phát triển dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm của người mua nhiều nhất.
DiaOcOnline.vn tổng hợp