Theo số liệu thống kê của Vụ kiến trúc Quy hoạch Xây dựng (Bộ xây dựng), tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng mạnh, tỉ lệ đô thị hóa năm 1999 là 23,6%, năm 2004 là 25,8%, dự báo năm 2010 sẽ tăng lên 33% và đến năm 2025 sẽ đạt đến 45%.
Diện tích đất đô thị cũng sẽ tăng từ 105.000 ha hiện nay lên đến 460.000 ha vào năm 2020. Từ đó cho thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân đô thị là vô cùng lớn. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà ở thì mới đạt 20 m2/người tại đô thị vào năm 2020, còn thấp xa so với con số 100m2/người của các nước phát triển.
Tại TP HCM còn khoảng 300 ngàn người đang sống trong các căn nhà ổ chuột, còn tại Hà Nội thì 2/3 số dân hiện đang sống ở mức mỗi người 3m2. Đó là chưa nói dự kiến vào năm 2025, dân số đô thị sẽ tăng lên mức 46 triệu người, gấp đôi mức hiện nay. Vì thế, nhu cầu về nhà ở sẽ còn lớn hơn nhiều.
Một chuyên gia kinh tế cho biết: theo kinh nghiệm quốc tế, khi mức độ đô thị hóa của một quốc gia ở trong khoảng từ 30% - 70% thì được coi là thời kỳ thị trường BĐS có tốc độ phát triển nhanh nhất. Việt Nam là đang ở vào thời kỳ đó và nó sẽ còn kéo dài nhiều năm sau.
Trong tương lai, TP HCM được quy hoạch thành trung tâm tài chính và giao dịch quốc tế lớn vào năm 2020, nên mức cầu về nhà ở và văn phòng cho thuê còn lớn đến thế nào. Trong bối cảnh đó, thị trường không tăng nóng mới là điều đáng ngạc nhiên. Xét về khía cạnh này, việc hàng trăm người xếp hàng để mua căn hộ trong các dự án như Vista, Keppel và Estelle, Hoàng Anh Gia Lai và Phú Mỹ Hưng không có gì là khó hiểu.
Kinh tế phát triển, kéo theo tốc độ đô thị hóa tăng lên, đi cùng với với nó là sự tăng nóng của thị trường BĐS trong hiện tại và tương lai gần sẽ là tất yếu.
DiaOcOnline.vn