Ngày 12/9, Ban tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc Nhà Quốc hội mới đã phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN và Hội Kiến trúc sư VN tọa đàm với các chuyên gia trong ngành quy hoạch, kiến trúc.
Buổi tọa đàm có sự tham gia khá đông các chuyên gia có tên tuổi trong giới chuyên môn cả ba miền bắc, trung, nam. Có rất nhiều ý kiến tham gia, phần đông cho rằng chưa có phương án nào xứng tầm là công trình Nhà Quốc hội.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong cả 17 phương án, kể cả phương án được giải A, còn thiếu bản sắc dân tộc và yếu tố hình tượng. Tầm nhìn về công trình làm việc cho Quốc hội của một dân tộc 100 triệu dân, thậm chí là 120-130 triệu dân trong một tương lai không xa là điều mà cần phải cân nhắc.
KTS Phạm Sỹ Chức cho biết, phương án giải A có nhiều ưu điểm, gọn, hài hòa nhưng còn khô khan, cần có giải pháp để nâng tầm. TS-KTS Lê Quang Ninh nhìn nhận, khu vực Ba Đình đang ổn định, vừa phải, không nên có tác động lớn. Phương án A còn có nhiều nhược điểm, tác giả đã sử dụng giải pháp của lớp học, trường học chứ không phải nhà làm việc.
Mô hình đề án giải A góc nhìn từ quảng
trường Ba Đình. Ảnh: T.L
GS Nguyễn Việt Châu đã đưa ra một số điều cơ bản mà phương án A chưa đạt được như: Đặt vị trí công trình gần ngay sát mép vỉa hè. Chưa có ngôn ngữ riêng để nhìn vào là nhận ra ngay đó là Nhà Quốc hội. Công trình phải phù hợp với cảnh quan xung quanh vì đây là một khu vực đặc biệt…Ông Châu cho rằng đây là một đề bài khó và cho đến nay chưa có lời giải đúng.
"Công trình chỉ là một phần, cảnh quan xung quanh cũng rất quan trọng. Nếu chọn phương án A để xây dựng cần đẩy lùi vị trí công trình" - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh, KTS Lưu Trọng Hải nói.
KTS Lê Hoàng Kế lại đặc biệt quan tâm tâm đến vấn đề giao thông. Ông Cho rằng đây là vấn đề rất phức tạp. Theo KTS Hoàng Đạo Cung, với quy mô Quốc hội hiện nay, một năm có hai kỳ họp và Quốc hội họp là tắc đường tại khu vực Hoàng Diệu. Đây là thực tế mà theo ông Cung cần phải rất lưu ý khi xây dựng Nhà Quốc hội mới với quy mô lớn hơn.
Đưa Nhà Quốc hội mới về khu vực mới phát triển và giữ lại công trình Nhà Quốc hội cũ là ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia về quy hoạch. Nguyên do bởi lo ngại về một công trình to lớn, hiện đại sẽ làm ảnh hướng, lấn át các công trình trong khu vực, ảnh hưởng đến không gian mang tính lịch sử này. Vấn đề quy hoạch, vị trí xây dựng Nhà Quốc hội mới cũng còn nhiều ý kiến trái ngược. Giám đốc Ban QLDA Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình - bà Nguyễn Thị Duyên cho biết, ý kiến của các chuyên gia trong buổi tọa đàm sẽ được tổng hợp để báo cáo Bộ Xây dựng.
>>
Công bố 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới>>
Kiến trúc Nhà Quốc hội phải có tính thời đại và dân tộc
Theo Song Hà - Kinh Tế & Đô Thị