Tình trạng khiếu nại, tố cáo tại TPHCM - Bức xúc vẫn ở lĩnh vực nhà đất

Cập nhật 04/04/2009 14:30

“Các vụ tranh chấp, khiếu nại tố cáo (KN-TC) trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bồi thường, giải tỏa và tái định cư. Tình trạng KN-TC về nhà ở đang ngày càng bức xúc...”

Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 20/2006/CT – UBND, Quyết định 132/2006/QĐ-UBND và 1 năm thực hiện Quyết định 3141/QĐ-UBND của UBND TPHCM về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư KN-TC tổ chức ngày 3-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân.

9 đời chủ tịch vẫn... chưa xong!

Ông Hoàng Đức Long, Phó chánh Thanh tra Thường trực TPHCM cho biết: Trong 2 năm 2007-2008, trong tổng số trên 25.000 đơn thuộc thẩm quyền các cấp, các ngành phải giải quyết, đã có hơn 22.700 đơn được giải quyết (tỷ lệ 88,66%). Tuy nhiên, ông Long cũng nhìn nhận, thời hạn giải quyết khiếu nại vẫn còn kéo dài, tình trạng đơn thư tồn đọng quá hạn giải quyết vẫn chưa được khắc phục triệt để. “Các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường, giải tỏa và tái định cư vẫn là chủ yếu và gây bức xúc lớn trong dân”, ông Long nhấn mạnh.

Còn theo ông Phan Đức Nhạn, Phó giám đốc Sở Xây dựng thì KN-TC về nhà đất ngày càng gay cấn và bức xúc do giá trị về nhà đất rất lớn, trong khi đó nội dung những vụ việc này lại phức tạp, đa dạng.

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cũng tâm sự: “Tôi là chủ tịch đời thứ 9 rồi mà vẫn có những đơn thư kéo dài đến nay chưa giải quyết xong. Thậm chí, có rất nhiều người dân biết rất rõ địa chỉ nhà tôi ở Đồng Nai và đến tận nhà, chờ đợi để đưa tận tay đơn thư KN-TC. Tất cả điều đó chỉ giải thích được một điều là người dân bức xúc lắm, vì ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của họ nên họ sẵn sàng bỏ cả công ăn việc làm để đi tìm cho được câu giải đáp. Một ngày bình quân tôi nhận khoảng 10 đơn các loại gửi đích danh chủ tịch UBND TP, trong đó có những câu chuyện đọc xong đêm không ngủ được vì thấy buồn và day dứt lắm”…

Lý giải về số lượng đơn thư thuộc thẩm quyền nhưng chưa giải quyết rốt ráo và kéo dài, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng: Phần lớn đơn thư đó có nội dung phức tạp, liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư… đòi hỏi phải có thời gian thẩm tra, xác minh từ nhiều cơ quan chức năng khác nhau nên thường bị kéo dài về thời gian. Khối lượng đơn thư khá lớn trong khi cán bộ thiếu kinh nghiệm, trình độ nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nhà đất còn thiếu, đôi khi nội dung mâu thuẫn nhau.

Luật thiếu, cán bộ yếu

Từ thực tế trên, đã có rất nhiều giải pháp tâm huyết được các đại biểu trình bày tại hội nghị. Chủ nhiệm Văn phòng tiếp công dân TP Phạm Văn Thành đề xuất: HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP cần nâng cao hiệu quả giám sát những trường hợp KN-TC phức tạp, đông người. Sau khi giám sát phải có văn bản kết luận đúng sai ngay đối với những vụ việc đã được các cơ quan chức năng giải quyết. Có vậy, KN-TC mới có điểm dừng, nếu không kịp thời giải quyết nhanh những KN-TC mới phát sinh dưới cơ sở thì chuyện vượt cấp là điều dễ hiểu!

Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng và củng cố các tổ chức hòa giải để hướng dẫn, thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết với nhau. Cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình giải quyết giữa các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cơ sở. Với các dự án có khiếu nại đông người thì phải công khai từ việc quy hoạch, trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, phương án bồi thường tái định cư và nhanh chóng cử cán bộ có kinh nghiệm giải quyết các khiếu nại của người dân có liên quan.

Ông Châu Văn La, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình kiến nghị: sửa đổi Quyết định 132 của UBND TP về việc ủy quyền trong đối thoại cho phù hợp với Luật KN-TC. Vì thực tế, khi các cơ quan tham mưu đối thoại thường không phải là thủ trưởng cơ quan chủ trì mà giao cho cấp phó, có khi ở cấp chuyên viên tiếp xúc người khiếu nại. Nhiều trường hợp không trả lời dứt khoát được vụ việc cần giải quyết thế nào nên người dân bức xúc và tiếp tục KN-TC vượt cấp. Cần có văn bản quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức không hợp tác, chậm trễ khi phối hợp với cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại vì thường một vụ việc KN-TC có tính chất phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Phó Chánh Thanh tra Thường trực TPHCM Hoàng Đức Long cho rằng: UBND TP tiếp tục đề xuất Trung ương thay đổi, bổ sung các quy định pháp luật để các văn bản quy phạm pháp luật không trái với Luật KN-TC; đồng thời chỉ đạo xây dựng “Hệ thống chương trình quản lý hồ sơ tiếp công dân và giải quyết tranh chấp, khiếu nại” của từng cơ quan và liên thông giữa 5 cơ quan (Thanh tra TP, Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Văn phòng tiếp công dân TP và Văn phòng HĐND- UBND TP) nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng thông tin báo cáo cũng như đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của UBND TP trong công tác KN-TC trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Thanh tra công vụ để ngăn ngừa tiêu cực

Các cơ quan thanh tra tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp dưới trong tiếp công dân, giải quyết KN-TC. Đặc biệt, các đơn vị phải tăng cường thanh tra công vụ để kịp thời hạn chế và ngăn ngừa phát sinh tiêu cực trong giải quyết tranh chấp KN-TC. Trong khi hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, các quy định và văn bản pháp luật về đất đai, xây dựng còn thay đổi, chồng chéo, bất cập thì yếu tố góp phần kéo giảm tình trạng KN-TC chính là nâng chất đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng