Tính toán vốn FDI: “Cứ theo như nước ngoài thì rất khó!”

Cập nhật 13/10/2008 01:00

Trước kỷ lục trên 57 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong 9 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, nhiều ý kiến cho rằng con số này chưa thể hiện đúng tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thậm chí, đã có những lập luận cho rằng các con số thể hiện trong báo cáo của Tổng cục Thống kê không theo thông lệ quốc tế và chỉ nhằm "làm đẹp" con số.

Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Bá Cường, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Ông Cường cho biết:

- Tôi có thể nói rằng con số về vốn đăng ký FDI là có thật và chừng mực nào đó đã phản ánh sức thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, môi trường đầu tư của ta thuận lợi hay chưa thuận lợi…

Nhưng vốn đăng ký thì rất mông lung, đăng ký đấy nhưng bao giờ mới thực hiện? Như các dự án 9 tỷ USD hay mười mấy tỷ USD vừa qua ấy, họ cứ đăng ký vậy thôi.

Có điều các chúng ta quá say sưa với các con số 50 tỷ USD, 60 tỷ USD… cứ thấy người ta đăng ký thật nhiều thì cho rằng thắng lợi rồi là không phải đâu.

* Nhưng vì sao chúng ta không dùng vốn pháp định, con số này có vẻ chính xác hơn vì thể hiện cam kết về vốn của nhà đầu tư?

Đúng, vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có khi thực hiện một dự án đầu tư và cũng chỉ quy định cho một số ngành nghề liên quan đến tài chính như: chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh tiền tệ, kinh doanh vàng, anh đã đăng ký thì anh phải triển khai số vốn đó.

Song có thể họ cam kết đấy, nhưng còn tùy thuộc vào chiến lược đầu tư của họ. Có khi 5 hay 7 năm vẫn chưa triển khai xong. Nhiều dự án 10 năm còn “bất động”.

Như tôi nói, vốn đăng ký chỉ thể hiện môi trường đầu tư của chúng ta như thế nào.

Phải thể hiện vốn góp của cả hai bên

* Về con số vốn thực hiện, trong một số văn bản con số này lại được gọi là giải ngân FDI. Hai thuật ngữ này hoàn toàn khác nhau, thưa ông?

Vốn thực hiện tức là phần vốn nhà đầu tư thực tế đã bỏ ra để triển khai dự án. Còn vốn giải ngân cũng có ý tương tự, nghĩa là vốn thanh toán cho hạn mục đã đầu tư.

Tuy nhiên, trong phần vốn phía Việt Nam góp vào dự án có một phần đối ứng từ ngân sách, liên quan đến cấp phát của Kho bạc Nhà nước. Có trường hợp dự án đã triển khai xong vài năm, doanh nghiệp chủ động bỏ vốn ra làm nhưng vẫn chưa được ngân sách trả lại.

Ví dụ thực hiện là 100 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ có 80 tỷ đồng. Chỉ Việt Nam mới thế, nước ngoài thì ông trả tiền tôi mới làm.

Nhưng, nếu cứ theo như nước ngoài thì rất khó! Hiện giờ, chúng tôi thống nhất dùng số liệu vốn đầu tư thực hiện và quy định vốn đầu tư thực hiện cũng là vốn giải ngân. Đấy là thống nhất với nhau về con số thôi, về quy ước là không đúng.

* Gần đây, trong phần vốn thực hiện có nói thêm “trong đó vốn đầu tư của phía nước ngoài...”. Hai con số này nên được hiểu như thế nào?

Có hai cách tính, cách thứ nhất vốn FDI là tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hay hay còn gọi là FDI ròng, là cách theo thông lệ quốc tế. Cách tính thứ hai là tính tổng vốn đầu tư đã thực hiện ở khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Ví dụ vốn FDI thực hiện năm nay ước vào khoảng từ 10 tỷ đến 11 tỷ USD. Trong số đó, vốn góp của phía nước ngoài, tức là FDI ròng, chỉ khoảng 8 tỷ USD.

Khi lập cán cân thanh toán quốc tế thì người ta dùng con số FDI ròng mà không tính phần vốn phía Việt Nam góp thêm vào.

Nhưng theo quan điểm của chúng tôi, những người làm thống kê, thì vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện vốn góp của cả hai bên.

* Nhưng khi nói vốn FDI có nghĩa là nói đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì sao lại tính cả phần vốn của phía Việt Nam?

Vì con số này liên quan đến hàng loạt con số khác nữa như sản lượng, doanh thu, hay GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy không thể tách rời số vốn góp và chỉ lấy phần vốn của phía nước ngoài.

Hơn nữa, dù Việt Nam có tham gia một phần vốn nhưng nằm dưới quyền điều hành của nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp có 20% vốn Việt Nam thì vẫn là doanh nghiệp FDI. Nên vẫn cần tính phần vốn phía Việt Nam góp vào như là vốn FDI.

Trong văn bản trình Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 20/4/2008, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã giải trình về việc này và sau đó chúng tôi thống nhất cách dùng là công bố cả hai con số, vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào.

Con số hiện nay là chấp nhận được

* Có ý kiến cho rằng nếu tính vốn FDI như hiện nay rất dễ xảy ra tình trạng nước ngoài chuyển vốn, khiến con số khó sát thực tế. Ý kiến của ông thế nào?

Nói vậy thì phần vốn của Việt Nam, chủ yếu là đất đai, cũng khó xác định giá chính xác. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể đặt dấu hỏi về tính chính xác thì sao?

Về lý thuyết thì có thể xảy ra chuyện nước ngoài chuyển vốn qua giá trị thiết bị, công nghệ … nhưng chuyện này cũng rất khó kiểm soát.

Theo tôi, con số về vốn FDI ròng chúng ta dùng hiện nay là tương đối chính xác và chấp nhận được.

Hỏi nước ngoài là biết ngay


* Khi tính cán cân thanh toán, nước ngoài thường dùng con số FDI chuyển thực qua hệ thống thanh toán. Vì sao chúng ta lại không dùng con số này?

Đúng, khi dùng vốn FDI ròng từ cán cân thanh toán quốc tế phản ánh tương đối chính xác nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Song có ý kiến cho rằng, có những dự án nhà đầu tư nước ngoài huy động tại Việt Nam, từ những đơn vị thường trú của Việt Nam. Như vậy, vốn FDI ròng trong cán cân thanh toán quốc tế có phản ánh hết chưa?

Theo tính toán, cán cân thanh toán vãng lai bằng tiết kiệm trừ đi đầu tư, nếu không chú ý tới điểm này, số liệu sẽ bị sai lệch.

* Nhưng nước ngoài họ vẫn dùng số tiền chuyển thật vào Việt Nam để tính và con số thì họ biết ngay, ta cũng biết…

Đúng là hệ thống thanh toán họ nắm được con số này vì khoản nào chuyển khoản qua ngân hàng thì họ nắm được ngay, bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là hiện vật…

* Nếu tách bạch riêng tiền ra thì sao?

Cái này tôi cũng chưa hỏi ngân hàng phần tiền chuyển vào là bao nhiêu, hiện vật là bao nhiêu, nhưng hỏi nước ngoài là biết ngay. Anh không công bố thì người ta cũng biết là bao nhiêu.

Còn về tính toán, con số cũng chỉ là tương đối thôi vì phần tiền thanh toán cho hàng xuất, nhập khẩu lậu qua biên giới cũng không thể tính được chính xác.

Còn quá nhiều “điểm cấm”


* Vì sao các báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng, hàng quý hiện nay của Tổng cục Thống kê không thể hiện các con số nói trên, mặc dù chúng là những con số rất cơ bản về kinh tế vĩ mô?

Các tính toán cán cân vốn, cán cân vãng lai… theo IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF - có quy định cán cân thanh toán áp dụng chung cho các nước thành viên - PV) thường là chậm hơn so với thời điểm báo cáo của Tổng cục Thống kê được công bố.

Lý do là Chính phủ yêu cầu báo cáo sớm để phục vụ công tác điều hành, nên nhiều con số là ước. Vì thế không thể có các tính toán chính xác và cụ thể về cán cân thanh toán quốc tế tại thời điểm Tổng cục Thống kê công bố số liệu…

Hơn nữa, theo Nghị định số 164/1999/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thì quyền công bố là của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

* Tức là con số nằm ở những báo cáo khác và thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước?

Đúng là có những báo cáo khác có thể hiện các con số này. Nhưng theo quy định, các con số về cán cân vốn, cán cân vãng lai, cán cân tổng thể… thuộc bí mật quốc gia.

Có trên 18 đầu mối cung cấp số liệu cho Ngân hàng Nhà nước để lập cán cân thanh toán quốc tế hàng năm, hàng quý.

Ngân hàng Nhà nước khi cấp lại cho các đơn vị thì đóng dấu “tuyệt mật”, nên không thể công bố. Ngay Vụ tôi, tại thời điểm biên soạn các chỉ tiêu và lập các tài khoản của hệ thống tài khoản quốc gia, cũng không có thông tin về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.

Nhiều năm trước đây, chúng tôi vẫn phải lấy lại số liệu từ IMF để tính toán vì Ngân hàng Nhà nước là thành viên của IMF nên buộc phải cung cấp số liệu cho họ.

Ngân hàng hiện nay còn quá nhiều “điểm cấm” quy định chế độ mật. Nhiều con số của chúng tôi tính toán từ số liệu của ngân hàng, nhưng khi công bố thì không được viện dẫn con số của họ, mà không viện dẫn thì rất dễ bị nghi ngờ.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy