Tinh thần “quyết ngay” cần được lan tỏa

Cập nhật 23/05/2017 09:00

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp năm nay là hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giơ cao Chỉ thị số 20 với chữ ký chưa khô dấu mực lúc phát biểu bế mạc.


Nhấn mạnh yêu cầu cơ quan cấp bộ, địa phương không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần một năm và phải có kế hoạch minh bạch, Chỉ thị số 20 khẳng định thông điệp rất rõ ràng về một Chính phủ kiến tạo, sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Chỉ thị này được Thủ tướng “ký nóng” ngay tại Hội nghị khiến cộng đồng doanh nghiệp nức lòng về tinh thần “quyết ngay” những việc có ích, có tác động tích cực đến hoạt động của họ.

Từ sự cởi mở của người đứng đầu Chính phủ, sự cầu thị của lãnh đạo các bộ ngành tham gia hội nghị, rất nhiều kiến nghị, đề xuất đã được đại diện các doanh nghiệp mạnh dạn nêu ra. Với lĩnh vực bất động sản nói riêng, nhiều vấn đề của thị trường cũng được các doanh nghiệp nêu lên.

Chẳng hạn như ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty KOSY, kiến nghị 3 vấn đề gồm: giải pháp giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng dự án theo cơ chế tự thỏa thuận; thời điểm xác định giá đất và quyền sử dụng đất; thu hồi các dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nên đánh thuế lũy tiến hoặc phạt tiền, tránh "thu hồi trắng" tài sản của nhà đầu tư.

Hay ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị Bộ Xây dựng, TP.HCM cần ra tay dẹp cơn sốt đất ảo vùng ven đang gây nhiễu loạn thị trường.

Vị đại diện HoREA cũng đề cập đến đề xuất của Bộ Tài chính về việc tạm dừng 60 dự án để thanh tra các dấu hiệu vi phạm đang khiến cả các chủ đầu tư lẫn người mua nhà xôn xao, có thể khiến một thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin xấu như thị trường bất động sản nghẽn mạch hồi phục.

Tất cả các đề xuất của doanh nghiệp đều nhằm hướng tới một thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, có một thực tế là dường như trên thị trường thời gian gần đây thiếu vắng những thông tin định hướng hoặc giải pháp quản lý, kiểm soát một cách minh bạch của cơ quan quản lý.

Chẳng hạn, câu chuyện sốt đất nền tại TP.HCM đã được cảnh báo từ cuối năm 2016 và bùng phát trong nhiều tháng gần đây, nhưng cả cơ quan quản lý địa phương và ngành vẫn chưa có những giải pháp kiểm soát đúng mức, hoặc lên tiếng cảnh báo về một vòng xoáy bong bóng cục bộ dẫn đến bất ổn toàn thị trường…

Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc đã được các chủ đầu tư mong ngóng từ lâu nhưng đến nay vẫn… “bặt vô âm tín”…  

Rõ ràng, tinh thần sâu sát, “quyết ngay” các vấn đề nóng của Thủ tướng Chính phủ rất cần được lan tỏa đến các cấp, các ngành để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững.     

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản