Tính giá đất để dân không thiệt thòi

Cập nhật 10/10/2012 08:45

Nên dùng nguyên tắc “giá công bằng” để người bị thu hồi đất có thể tạo lập được mảnh đất có giá trị tương đương ở nơi khác.

“Dự thảo chỉ sửa đổi loanh quanh chứ chẳng có thay đổi đột phá gì, có chăng chỉ là cố gắng quy định thêm nhiều quyền hạn cho Bộ Tài nguyên và Môi trường một cách không cần thiết”. Đó là ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khi tham dự hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật đất đai do VCCI phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ngày 9-10. Ông Liêm đề nghị Quốc hội lập ra một ban soạn thảo khác, gồm các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực đất đai, làm việc trong vòng sáu tháng để soạn thảo một dự thảo mới.

Không để lợi ích nhóm chi phối

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, đặt vấn đề: Để giải quyết các bất cập về đất đai thì phải tháo cho được sáu “nút thắt”. Trong đó phải “bịt” được những kẽ hở tạo ra những “liên minh trong bóng tối” giữa một số công chức, quan chức thoái hóa, biến chất với một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để tham nhũng, chia nhau phần địa tô chênh lệch; giải quyết tình trạng đất đai thuộc sở hữu toàn dân trên lý thuyết nhưng thực tế có tình trạng thuộc sở hữu của một nhóm lợi ích.“Việc sửa đổi luật đất đai sẽ không có tác dụng gì nếu không tháo gỡ được các “nút thắt” trên” - ông Tiền nói.


Ông Phạm Sỹ Liêm đề nghị Quốc hội nên lập ban soạn thảo khác để xây dựng Dự thảo Luật đất đai mới. Ảnh: THÀNH VĂN

Ông Tiền nói: “Việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính như Luật Đất đai 2003 và Dự thảo Luật đất đai sửa đổi là một “hình thức kỷ luật” nghiêm khắc và vô lý nếu người dân bị thu hồi đất mà không hề vi phạm pháp luật”.

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng: “Quy định về thu hồi đất sẽ tạo điều kiện cho sự lạm quyền, tham nhũng và quyền của người sử dụng đất không được bảo vệ chặt chẽ”.

Nguyên tắc “giá công bằng”

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, thay vì quy định giá đất phù hợp với giá thị trường, chúng ta nên dùng nguyên tắc “giá công bằng”, tức là giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích do dự án phát triển đất đem lại. Đây là nguyên tắc đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập thì cho rằng việc thỏa thuận giá đất giữa doanh nghiệp và người dân nên áp dụng nguyên tắc đồng thuận của cộng đồng, tức là phải được ít nhất 2/3 cư dân đồng ý.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP