Vắng bóng những dự án quy mô lớn, song các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô nhỏ và vừa vẫn tiếp tục xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc.
Một trong những minh chứng cụ thể là ngay trong quý I năm nay, Quảng Ninh có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án FDI quy mô từ 1 đến 8 triệu USD trong lĩnh vực dệt may, du lịch và xử lý dầu thải từ khu vực sản xuất than của tỉnh này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Thành Lộc, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh) cho rằng, so với những lo ngại về sự sụt giảm lớn trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào đầu năm nay, thì những động thái thiết thực và cụ thể từ các nhà đầu tư nước ngoài là những dấu hiệu đáng mừng.
"Cũng cần phải thừa nhận rằng, tới thời điểm này vẫn chưa có những đề xuất dự án quy mô lớn, song với các dự án sử dụng nhiều lao động, như dự án trong lĩnh vực may mặc của nhà đầu tư đến từ Vương quốc Anh (dự kiến sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động) cũng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay", ông Lộc nói.
Đặc biệt, Dự án Xử lý dầu thải vùng công nghiệp than do một nhà đầu tư Nhật Bản cùng với một doanh nghiệp Việt Nam đề xuất đang được không ít người quan tâm. Theo ông Lộc, mặc dù tổng vốn đầu tư dự kiến chỉ khoảng 1 triệu USD, song do tính mới mẻ nên Dự án đang được địa phương khuyến khích. Phần lớn các dự án này có diện tích sử dụng đất không lớn nên không lo ngại về khả năng chiếm dụng đất, gây lãng phí nguồn tài nguyên...
Ông Lộc cho biết thêm, việc rà soát tính hiệu quả trong sử dụng đất của các dự án đầu tư tại Quảng Ninh cũng đang được tiến hành. "Một thực tế tại Quảng Ninh là những dự án bị thổi còi về chiếm dụng đất, phần lớn là các dự án của các doanh nghiệp trong nước. Đa phần những dự án FDI dừng triển khai vào năm ngoái là do chưa hoàn thành thủ tục về đất đai, chưa giao đất. Hiện đã có dấu hiệu giãn hoạt động của một số doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác như Công ty Dầu thực vật Cái Lân vẫn đang triển khai tiếp tục giai đoạn II", ông Lộc nói.
Cũng cần phải nói rằng, những rà soát ban đầu về hiệu quả sử dụng đất của các dự án đầu tư tại Bắc Ninh cho thấy thực tế là tình trạng "đất treo" chủ yếu thuộc về các dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước. Ngay trong năm ngoái, 10 trường hợp địa phương có quyết định chuyển giao quyền sử dụng đất của doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác do không triển khai đầu tư theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng thuộc về các doanh nghiệp... trong nước.
Ông Ngô Sỹ Bích, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh thông tin rằng, các nhà đầu tư FDI tại Bắc Ninh khá cẩn trọng khi đề nghị về diện tích đất. "Phần lớn các dự án FDI đều sử dụng hết quỹ đất mà họ đề nghị. Việc xin đất để đấy đối với các nhà đầu tư nước ngoài không xảy ra, vì điều đó sẽ khiến mức đầu tư tăng lên do tiền thuê đất đội lên. Có vẻ như tình trạng giữ đất để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, kêu gọi cổ phần từ bên ngoài... đều thuộc về các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước", ông Bích cho biết.
Tuy vậy, tình trạng chậm triển khai đã bắt đầu xuất hiện trong một số dự án FDI. "Vào thời điểm hiện nay, chúng tôi cũng đang tính tới khả năng năm 2009, thậm chí cả năm 2010, có thể sẽ khó khăn trong việc triển khai thu ngân sách do tình trạng giãn tiến độ, kéo dài thời gian xây dựng của các dự án.
Quan điểm của chúng tôi là trong thời điểm này, chúng ta buộc phải chấp nhận những chậm trễ này của các dự án đầu tư. Khó có thể ép họ đẩy nhanh tiến độ dự án khi thị trường đầu ra của doanh nghiệp khó khăn. Địa phương sẽ chủ động tiếp cận để hỗ trợ khi cần thiết, song sự điều chỉnh tiến độ nên để nhà đầu tư chủ động", ông Bích đề nghị.
Hơn thế, sự khác biệt giữa các dự án trong các lĩnh vực, ngành nghề, thậm chí cả sự khác biệt về sở hữu của chủ đầu tư cũng đang được đề nghị những giải pháp xử lý phù hợp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Với một dự án chậm triển khai, nếu của doanh nghiệp nhà nước, việc rút giấy phép để chuyển sang cho nhà đầu tư khác là cần thiết để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Bích, với một nhà đầu tư tư nhân, sự chậm trễ trong triển khai dự án do khó khăn của nhà đầu tư sẽ buộc nhà đầu tư phải tự vận động, kêu gọi thêm vốn hoặc chuyển nhượng dự án để thu hồi phần nào số tiền đã bỏ ra.
"Nếu cứ thu hồi đất mà không tìm được nhà đầu tư sử dụng được thì cũng không hiệu quả. Có lẽ cần có cơ chế để nhà đầu tư tự tìm đối tác và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ trong các thủ tục chuyển đổi sang cho nhà đầu tư mới", ông Bích nói và cho biết, đây cũng là hướng đi mà Bắc Ninh áp dụng đối với những dự án "treo" tại địa phương này.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư